Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước.
Trong đó, trong khâu chế biến thực phẩm, các trường thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống và khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định. Nhà trường có hồ sơ quản lý công tác ATTP chặt chẽ; Ban giám hiệu kiểm tra, giám sát bếp ăn hàng ngày.
Các trường thực hiện ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đầu mối có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP của Trung tâm y tế thành phố. Bên cạnh đó, các bếp ăn tập thể tại trường học đều có hợp đồng nấu ăn cho học sinh với nhân viên cấp dưỡng được đào tạo chứng chỉ nghề nấu ăn.
Đặc biệt, để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trước và trong năm học, ngành giáo dục và đào tạo thành phố duy trì việc phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về ATTP cho đội ngũ cán bộ quản lý và phụ trách bếp ăn của các cơ sở giáo dục về các nội dung như Luật ATTP; quy định lưu mẫu thức ăn trong các bếp ăn tập thể; quy định thực hiện “Bếp ăn một chiều”; cách thức quản lý các loại hồ sơ, sổ sách liên quan và công tác quản lý bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giám sát các trường học có tổ chức ăn bán trú định kỳ 6 tháng/lần, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo ATTP; tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành về ATTP nhằm chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm công tác an toàn thực phẩm trường học. Phối hợp chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm trong các trường học.