Bồi bổ mùa xuân khỏe người, phòng bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Chức năng sinh lý của cơ thể có phần thay đổi theo sự biến đổi của khí hậu, vì vậy dựa theo sự thay đổi của bốn mùa để có cách bồi bổ cho thích ứng.

Bệnh mạn tính nên bồi bổ

Thực ra, nguyên tắc lớn của việc bồi bổ là “hư tắc bổ chi”  (hư đâu bổ đó). Những người suy nhược cơ thể có thể chất kém đều nên dựa vào sự thay đổi của các mùa và tình trạng thể chất mà bồi bổ cho linh hoạt. Ý nghĩa của việc bồi bổ chính là điều chỉnh bằng dinh dưỡng để đạt tới mục đích làm cho cơ thể khỏe mạnh, đồng thời phòng ngừa một số bệnh tái phát.

Những người cần chăm sóc bồi bổ trong mùa xuân thường thuộc một số loại sau:

  1. Mắc các bệnh mãn tính nên bị suy nhược cơ thể, thường có các biểu hiện chóng mặt, đau lưng, tinh thần mệt mỏi, mặt vàng ...
  2. Người già và trung niên có hiện tượng suy lão sớm, như hay quên, tinh lực kém, răng rụng ...
  3. Người bình thường dễ bị cảm cúm tái phát.
  4.  Người có tiền sử phát hen suyễn trong mùa xuân mà hiện vẫn chưa phát.
  5. Người cứ đến mùa hè là dễ bị sốt kéo dài hoặc dễ bị sốt nhẹ trong mùa hè.

Nói đến bồi bổ mùa xuân, tốt nhất nên bắt đầu từ đông chí. Mùa xuân là mùa mở đầu vạn vật, sinh trưởng phát triển, dương khí phát mạnh, cây cỏ đâm chồi cho nên lúc này không nên bồi bổ những chất ngấy mỡ, cay để tránh trợ dương tiết hết ra ngoài, nên ăn nhiều những loại rau thanh đạm, đậu các loại và các chế phẩm của đậu.

Những đồ ăn bình bổ như kiều mạch, ý dĩ, đậu các loại, quýt, táo, vừng, hạnh đào... ăn trong thời gian dài, thường không có ảnh hưởng xấu. Những người âm hư, dương hư, khí hư, huyết hư đều nên chọn dùng loại thức ăn thanh bổ là chỉ những thức ăn có tính mát được chế biến nấu nướng dễ ăn như: Lê, ngó sen, bách hợp, ba ba, vịt già...Những người âm hư nóng trong khi được bồi bổ bằng những thứ này sẽ có thể hạ hỏa, giải trừ được cảm giác sợ nóng.

Ngoài ra, còn có thể dùng một số loại thảo dược Đông y bồi bổ để nâng cao khả năng kháng bệnh như: Hoàng kỳ, bạch truật, phòng phong, đẳng sâm, phục linh... sắc uống hoặc chế biến thành món ăn thuốc đều có thể được.

Mùa xuân nên dưỡng gan

Khi mùa xuân đến, khí hậu ấm áp sẽ làm cho nhiệt lượng hoạt động của con người tăng dần lên, quá trình trao đổi chất cũng ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, trong cơ thể người, dù là tuần hoàn máu hay cung cấp dinh dưỡng cũng đều phải tăng nhiều và nhanh thêm một cách tương ứng để đáp ứng các nhu cầu của hoạt động sống. Sự tăng nhanh tuần hoàn máu chủ yếu là ở việc điều tiết lượng máu; sự tăng cung cấp dinh dưỡng chủ yếu ở hệ tiêu hóa và hô hấp. Những cơ năng này, về mặt Đông y, đều có liên quan với gan. Gan là cơ cơ quan quan trọng đóng vai trò tích trữ máu và điều tiết lượng máu; Gan còn là cơ quan chủ quản về tinh thần và tình cảm của con người, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Cho nên về mùa xuân, quá trình trao đổi chất của cơ thể có mối liên quan rất lớn đến gan, chỉ có duy trì được cơ năng sinh lý mạnh mẽ của gan, thì mới có thể thích ứng được với sự thay đổi bộc phát mạnh mẽ tự nhiên.

Ngoài ra, những người bị bệnh gan, thường về mùa xuân cảm thấy khó chịu, hoặc bị bệnh gan tái phát, đây là một loại phản ứng của mùa ảnh hưởng tới cơ thể. Cái lẽ “mùa xuân nên dưỡng gan” chính là ở chỗ này.

Mùa xuân dưỡng gan phải tiến hành ở nhiều mặt. Trước tiên, về mặt tình cảm phải lạc quan, vui vẻ, sinh hoạt phải thuận theo thiên thời. Thứ đến là về mặt ăn uống nên ăn những loại thức ăn cay nóng, thăng tán như táo, quýt, lạc, hành, rau thơm ... Ngoài ra, còn nên bồi bổ những loại thức ăn có ích cho gan như món mộc nhĩ trắng, rượu câu kỷ tử, cao hoàng kỳ, cháo sơn dược ...

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top