Trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Không chỉ ngành ngôn ngữ Anh mà tất cả các ngành của Trường Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đều chưa được cấp phép”.
Văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT cho hay, theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (văn bằng 2), việc đào tạo này chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.
Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.
Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.
Do Trường Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2 nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu Trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).
Còn việc in phôi bằng thì xuất phát từ thực tế một số cơ sở giáo dục đại học do khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng chứng chỉ nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi bằng. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi như các cơ sở in phôi bằng khác.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặt câu hỏi, là trách nhiệm quản lý của Bộ GD&ĐT trong vụ việc này như thế nào, cụ thể là vai trò kiểm tra việc quản lý văn bằng, chứng chỉ của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) ra sao, thì chưa thấy Bộ GD&ĐT nhắc tới.
Bên lề chuyến công tác về triển khai tình hình năm học mới tại tỉnh Thanh Hoá của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các phóng viên đã nêu vấn đề về trách nhiệm để xảy ra vụ sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô cũng như hướng xử lý các hệ quả tiếp theo của Bộ GD&ĐT.
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định: Trường ĐH Đông Đô để xảy ra sai phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn các đơn vị trực thuộc Bộ có sai sót, thậm chí sai phạm thì sẽ phải xử lý nghiêm; theo nguyên tắc "sai đâu phải xử đấy".
Không chỉ với trường ĐH Đông Đô mà còn nhiều trường khác, người đứng đầu ngành đang chỉ đạo cho các vụ, cục trước hết là rà soát, báo cáo thật nghiêm túc. Sau đó, thanh tra sẽ có chương trình cụ thể.
Theo Bộ trưởng, đây là các dịp tốt để chấn chỉnh các trường. Các trường ĐH có hoạt động đào tạo, liên kết và có chỗ quá đà, cần phải quản lý, chấn chỉnh.
Tân Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Đô - PGS.TS Lê Ngọc Tòng khẳng định sẽ ký bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ với những sinh viên, học viên của trường đang chờ nhận bằng ngay sau khi có quyết định của UBND TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT về bổ nhiệm hiệu trưởng mới.
Ông Tòng cũng cho biết sẽ đề xuất với Bộ GD&ĐT công nhận văn bằng 2 với những học viên đã học xong, đang chờ nhận bằng, đồng thời hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, việc đào tạo văn bằng 2 của ĐH Đông Đô là "trái phép" theo khẳng định của Bộ GD&ĐT. Cho nên, những khẳng định của vị tân phó Hiệu trưởng ĐH Đông Đô có lẽ chỉ mang tính trấn an người học, mà thiếu cơ sở thuyết phục.