Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang trình Quốc hội cho ý kiến đặt vấn đề tính toán chi phí thu gom, xử lý với rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng sử dụng, thay vì cách tính bình quân, đổ đồng như hiện nay đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội. |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến không quy định cụ thể vấn đề này mà chỉ đưa ra nguyên tắc là không thu tiền xử lý rác đổ đồng theo hộ gia đình mà dựa trên lượng rác. Tức là, người nào xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều hơn.
Ở các nước trên thế giới, thông thường việc thu tiền dựa vào thể tích túi bao bì với nhiều màu sắc khác nhau.
Với Việt Nam, sau khi Luật được Quốc hội thông qua, việc quy định bao nhiêu loại túi, màu sắc thế nào, thể tích ra sao sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn.
Việc này có làm được hay không, quan trọng là người dân có nhận thức đầy đủ, nếu người dân ủng hộ và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Thực tế, Hàn Quốc cũng phải mất 10 năm mới thực hiện được vấn đề này.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khi người dân tham gia vào quá trình này cũng được thụ hưởng lợi ích từ việc phân loại. Đồng thời, sẽ đi liền với việc tuyên truyền, giám sát và chế tài xử lý vi phạm.
Về ý kiến lo ngại, việc dự thảo luật cho phép thanh kiểm tra đột xuất về môi trường mà không cần thông báo trước, có thể dẫn tới lạm dụng, Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, việc thanh tra đột xuất không cần báo trước sẽ có quy định về cấp thẩm quyền quyết định để không được tuỳ tiện. Ví dụ, đối với Bộ Tài nguyên Môi trường thì Bộ trưởng sẽ quyết định việc thanh tra đột xuất.