Ông Lê Minh Hưng được bổ sung vào Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Quy định số 32 ngày 16/9/2021 thay thế Quy định số 211 ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng.
Theo Quy định số 32, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gồm:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban Thường trực là Trưởng Ban Nội Chính trị Trung ương Phan Đình Trạc.
5 Phó Trưởng ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
11 ủy viên Ban Chỉ đạo: Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí; Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh; Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.
Ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh.
Ông Hưng từng được đào tạo về kinh tế thị trường và phân tích tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), học chuyên ngành thạc sĩ về lĩnh vực kinh tế tại trường Đại học Tổng hợp Saitama (Nhật Bản) và có bằng Thạc sỹ Chính sách công.
Ông Hưng được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào tháng 4/2016. Tới tháng 10/2020, ông được điều động làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Trong gần một nhiệm kỳ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn diện ngành tài chính, ngân hàng của cả nước, ông Hưng đã chỉ đạo nhiều chính sách đối mặt vấn đề của tiền tệ Việt Nam, gồm: kiểm soát lạm phát, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, giảm lãi suất, nắn dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, giảm nợ xấu. Đến năm 2020, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3,0 %. Tình hình nợ xấu được quản lý có hệ thống, chủ trương tái cơ cấu tổ chức tín dụng được nỗ lực thực hiện, song còn gặp nhiều khó khăn.