Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 16: Nhiều vụ án nghiêm trọng được xử lý nghiêm

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa tổ chức phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo.

Phiên họp với nội dung kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2019.

Tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm và đánh giá cao kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua. Đó là một trong những yếu tố tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin đối với Đảng và chế độ. Tuy nhiên, vẫn còn tâm lý lo ngại, liệu cuộc đấu tranh này có duy trì được như thế không và mong muốn cần làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cho rằng, 6 tháng qua, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, cách làm bài bản hơn, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Một số hạn chế, yếu kém bước đầu được khắc phục; “trên nóng, dưới cũng đã dần ấm lên”. Việc ngăn chặn “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, vòi vĩnh đã có chuyển biến; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả cao hơn; tình trạng án treo giảm hẳn. Phương pháp, cách làm ngày càng bài bản, nền nếp; làm rõ đến đâu xử lý đến đấy, thận trọng, làm đi làm lại nhiều lần, không để sót tội, nhưng cũng không gây oan cho ai.

6 tháng qua, việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, qua đó tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng trong Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Nội chính, cơ quan giám định, định giá tài sản,... đã nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng, tập trung chỉ đạo khắc phục nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản... giúp việc xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt yêu cầu đề ra.

Khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong PCTN

Trong 6 tháng đầu năm, đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc; mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ án/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án/27 bị can; xét xử sơ thẩm chín vụ án/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án/149 bị cáo. Đặc biệt là đã xét xử kịp thời, nghiêm minh 4 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; vụ án “Sử dung mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc, đánh bạc...” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, TPHCM (DAB); vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; mở rộng điều tra, làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ; khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên,... Tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với giá trị tài sản hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong PCTN; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên...

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng chỉ rõ, một số hạn chế, như khâu giám định còn yếu, công tác PCTN ở địa phương có chuyển biến nhưng chưa đều. Ban Chỉ đạo cần tăng cường chỉ đạo, khắc phục điểm yếu này, qua đó nắm và đánh giá cán bộ chính xác hơn.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều kết quả hơn trong PCTN, góp phần chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Không có chuyện dừng lại và không thể dừng, phải quyết tâm cao hơn, đây là yêu cầu của Đảng, của nhân dân...

Theo ND/suckhoedoisong.vn
Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm Đại tá Lê Anh Hưng - Trưởng phòng, Phòng Điều tra các tội phạm khác, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.
back to top