Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vẫn chưa thể xác định được thời điểm học sinh quay trở lại trường học. Điều này làm dấy lên tranh luận về việc có nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia hay không?
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu học sinh trở lại trường cuối tháng 5 hoặc chậm nhất là 15/6 thì sẽ vẫn kịp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giữa tháng 8/2020.
Điều này dựa trên một số cơ sở. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT vừa thực hiện tinh giản chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 theo tinh thần bảo đảm nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi của mỗi môn học nhưng giảm được thời lượng, giảm áp lực cho học sinh. Học kỳ II có 18 tuần, đã học hai tuần trước Tết. Với việc tinh giản này, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng 10 tuần đến thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15/7.
Thứ hai, là từ 25/3 đến nay, các trường đều đã triển khai dạy học qua Internet, trên truyền hình bước đầu có kết quả.
Nếu tính ngày 15/4 là mốc thời gian chính thức các trường trên cả nước tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình, cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường, dự tính nếu muộn nhất là 15/6 thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Sau khi kết thúc năm học, học sinh cuối cấp còn gần một tháng để ôn tập trước khi thi THPT Quốc gia, tương ứng với thời gian học sinh được ôn tập năm 2019. Như vậy đủ điều kiện để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi.
Phương thức thi cơ bản giữ ổn định như năm 2019, đồng thời điều chỉnh phù hợp với tình hình đặc biệt của năm học này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, trong trường hợp đã cố gắng, nhưng vì lý do bất khả kháng không đảm bảo để tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như dự kiến, thì Bộ GD&ĐT cũng đang tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, thay vào đó giao cho các địa phương thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT.
Nếu việc này xảy ra, Bộ GD&ĐT phải xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép. Bởi việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia đã được quy định trong Luật Giáo dục.
Quỳnh Anh