PGS.TS.BS. Nguyễn Xuân Ninh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, kiểm soát tiểu đường type 2 không chỉ là theo dõi lượng đường trong máu. Thực hiện các thói quen sinh hoạt lành mạnh như lựa chọn thực phẩm thích hợp và tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng. Đặc biệt là việc duy trì bữa ăn sáng nhiều calo hơn bữa tối.
Dưới đây là một vài thói quen phổ biến nên tránh để duy trì lượng đường trong máu ổn định và bảo vệ sức khỏe ở người bị tiểu đường:
Ăn ba bữa chính một ngày
Theo chuyên gia nội tiết, TS Loren Wissner Greene,Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York (Mỹ), ăn ba bữa chính một ngày có thể không phải là một lựa chọn tốt cho người tiểu đường. Điều này nghe có vẻ lạ nhưng nếu chia ba, kích cỡ mỗi bữa ăn có xu hướng quá lớn. Hãy ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ sẽ tốt hơn vì bữa ăn chính lớn, nhiều thức ăn sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Bỏ bữa sáng
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Xuân Ninh, bữa ăn có lợi trong ngày chính là bữa sáng. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, cơ thể phản ứng với lượng đường trong máu khác nhau tùy theo thời điểm.
Trong một nghiên cứu năm 2015 được đăng trên tạp chí Diabetologia, các nhà nghiên cứu đã chia 18 người bị tiểu đường thành hai nhóm: Một nhóm ăn bữa sáng có 704 calo và bữa tối có 205 calo trong khi nhóm còn lại ăn bữa sáng ít calo và bữa tối nhiều calo hơn. Kết quả, nhóm ăn bữa sáng có nhiều calo hơn bữa tối có lượng đường trong máu giảm nhiều hơn.Từ đó cho thấy, bỏ bữa ăn sáng gây hại cho bệnh tiểu đường.
Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều gây hại cho bệnh tiểu đường. |
Sau khi khảo sát thói quen ngủ của 4.870 người bị tiểu đường type 2 ở Nhật Bản, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những người ngủ từ 6,5 đến 7,4 tiếng mỗi đêm, kéo dài trong hai hoặc ba tháng có mức A1C - đơn vị đo lượng đường thấp nhất trong máu, và có chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh hơn so với người ngủ ít hoặc nhiều hơn. Để dễ ngủ, không nên sử dụng máy tính và các thiết bị có màn hình hai tiếng trước khi ngủ.
Không chăm sóc răng miệng
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Xuân Ninh, bị tiểu đường nghĩa là cơ thể không có khả năng chống vi khuẩn tốt như bình thường và điều này làm cho lợi dễ bị nhiễm trùng. Do đó, người bị tiểu đường có nguy cơ bị bệnh nha chu cao hơn và bệnh nha chu nặng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Cho nên, vệ sinh răng miệng tốt và khám nha khoa định kỳ là những việc người bị tiểu đường nên làm.
Đánh giá thấp vai trò của căng thẳng
Căng thẳng làm kích hoạt các hormone trong cơ thể, khiến cho lượng đường trong máu khó kiểm soát hơn. Chúng ta đang làm việc ngày càng nhiều hơn và thư giãn ít hơn. Bạn cần phải thư giãn và giảm thời gian dùng các thiết bị điện tử. Xem tivi hay phim ảnh thì vui đấy nhưng chúng không làm trí óc và cơ thể bạn thư giãn.
Bỏ qua nguy cơ trầm cảm
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Mỹ), tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, dẫn đến việc tập thể dục, thực hiện chế độ ăn lành mạnh và tuân thủ kế hoạch điều trị kém hơn. Bạn nên thường xuyên thảo luận với bác sĩ về trạng thái trầm cảm của mình. Điều trị trầm cảm nhờ các liệu pháp hành vi nhận thức hoặc thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện cả sức khỏe tâm thần và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Cát Cát