Bình đẳng giới: Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số bớt gánh nặng việc nhà

Mỗi ngày phụ nữ dân tộc thiểu số phải mất 5 giờ cho công việc nội trợ kiếm củi, nấu cơm... không được trả lương. Nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng và thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ ...đã được thực hiện thành công.

Cải tiến bếp đun củi, tốt cho sức khỏe, giảm thời gian làm việc nhà

Phần lớn các hộ gia đình ở nông thôn và miền núi sử dụng bếp củi để nấu ăn. Phụ nữ nơi đây thường phải kiếm củi, nấu ăn, trông con… là những công việc nhà nhưng không được trả lương. Điều này đã làm giảm đi cơ hội phát triển kinh tế của họ.

Nghiên cứu của CARE tại Việt Nam đầu năm 2021 cho thấy, phụ nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số dành trung bình 5 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc và nội trợ không được trả lương, trong đó lấy củi/đốt củi là một trong ba công việc tốn nhiều thời gian nhất.

Đặc biệt, loại bếp họ sử dụng lại có một số hạn chế như: đun nấu lâu, tốn nhiều củi và tạo ra nhiều khói..., gây ảnh hưởng tới sức khỏe và thời gian của người sử dụng.

Nhận thấy thực trạng và thách thức trong việc sử dụng bếp củi mở tại các hộ gia đình, dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" (AWEEV) do chính phủ Canada hỗ trợ thông qua Tổ chức CARE tại Việt Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ: Lai Châu và Hà Giang tổ chức Hội thi “Bếp tiện lợi, Vợi việc nhà” tại các xã dự án thuộc hai huyện Tam Đường và Quang Bình.

Các mẫu bếp được cải tiến giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm thời gian nấu nướng, để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho bản thân và làm các công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Các mẫu bếp được cải tiến giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm thời gian nấu nướng, để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho bản thân và làm các công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Hội thi nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu dựa vào cộng đồng và hỗ trợ cải tiến bếp nấu nhằm giảm thiểu thời gian dành cho công việc chăm sóc không lương của mỗi gia đình. Về lâu dài, điều này có thể giúp phụ nữ có nhiều thời gian hơn cho các công việc được trả lương khác cũng như phục hồi sức khỏe.

Hào hứng giới thiệu mẫu bếp 3 giảm "Giảm khói, giảm củi, giảm thời gian" do vợ chồng cùng thiết kế, chị Lò Thị Thương, bản Nà San, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: Với chiếc bếp giảm khói, có thể nấu được nhiều món ăn cùng lúc, giúp chị tiết kiệm thời gian nấu nướng, để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho bản thân và làm các công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Hoài, bản Hoa Vân, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chia sẻ thêm: Chồng tôi rất ủng hộ, tham gia sáng tạo, cải tiến bếp nấu ăn với mong muốn giúp phụ nữ giảm bớt thời gian, vất vả khi nấu nướng. Một hoạt động tuy nhỏ nhưng đã góp phần thay đổi định kiến về giới và sự cảm thông, chia sẻ của nam giới về công việc không công trong gia đình.

"Tính hiệu quả của các mô hình bếp đang được nghiên cứu để triển khai hỗ trợ bếp cải tạo cho bà con vào tháng 03-04 năm 2024"- đại diện Dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" thông tin.

Dự án góp phần thay đổi định kiến về giới và sự cảm thông, chia sẻ của nam giới về công việc không công trong gia đình.

Dự án góp phần thay đổi định kiến về giới và sự cảm thông, chia sẻ của nam giới về công việc không công trong gia đình.

Lớp học bán trú độc đáo: Phụ huynh tự nấu ăn cho con

Tới một điểm trường thuộc trường mầm non Xuân Hoà, xã Tiên Nguyên, Huyện Quang Bình, Tỉnh Hà Giang sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc thể hiện rõ của các vị phụ huynh. Tại đây có 11 điểm trường, trong đó có 4 điểm trường được AWEEV tài trợ cho việc bán trú. Ở điểm trường này áp dụng một hình thức bán trú rất độc đáo. Trường không có cô nấu bếp mà người nấu bếp chính là các vị phụ huynh.

Gặp ông Phùng Vàn Châu, một phụ huynh được phân công đến nấu ăn cho các cháu 3 đến 5 tuổi tại điểm trường ngày hôm đó cho biết: Phụ huynh sẽ cắt cử nhau nấu ăn cho con. Sáng nào đi học, mỗi nhà sẽ chuẩn bị sẵn 1 túi gạo nhỏ kèm theo mấy ngàn đồng để mua thức ăn cho con trong ngày. Vị phụ huynh được cắt cử nấu ăn hôm đó sẽ cầm rau của nhà mình tới nấu cơm trưa, tặng cho tất cả các suất ăn hôm đó.

Ông Phùng Vàn Châu và các phụ huynh nấu ăn bán trú cho các con

Ông Phùng Vàn Châu và các phụ huynh nấu ăn bán trú cho các con

Mỗi sáng, 7h, khi biết được sĩ số các con, cô giáo sẽ báo cho vị phụ huynh được cắt cử nấu ăn hôm đó sĩ số để vị phụ huynh này đi ra chợ cách đó 500 m mua thực phẩm về nấu cho 30 học sinh mầm non của điểm trường ăn.

Ông Châu cho hay: “Trước khi có hình thức nấu ăn trưa bán trú ở trường thì phụ huynh một ngày sẽ mất 4 lần đưa đón con: sáng: 6h45' đưa con đi học rồi ngồi chờ ở lớp con tới 10h30 để đón về cho ăn bữa trưa. Chiều 13h lại đưa con đi học và 16h thì đón con về.

Tức là một ngày không làm được gì ngoài việc đưa con đi học và đón con về. Nhưng từ khi có đồ nấu ăn trưa, mọi người cắt cử nhau nấu cho các con, chúng tôi có thời gian để làm nhiều việc, kiếm tiền cho gia đình, không mất thời gian vào việc đưa đón con như trước ….

Trẻ rất vui khi trường có bếp ăn bán trú

Trẻ rất vui khi trường có bếp ăn bán trú

Bà Bùi Hồng Hạnh – Hiệu trưởng mầm non Xuân Hoà cho biết, trong những năm trước, nhà trường không thể tổ chức được nhà trẻ đầy đủ do hạn chế về cơ sở vật chất. Nhiều phụ huynh đã chọn cách cho con ở nhà thay vì phải mất công đưa đón một ngày 4 lần.

Năm 2023 - 2024, dự án AWEEV đã cung cấp dụng cụ nấu ăn, tủ lưu mẫu thực phẩm, chăn đệm ngủ để nhà trường thực hiện mô hình bán trú. Vì vậy, phụ huynh đã cho con đi học, số học sinh mỗi lớp đông lên nhiều. Phụ huynh đổi công cắt cử nấu ăn cho các con nên có thời gian làm việc, phát triển kinh tế nhiều hơn.

“Nhà trường mong được dự án của Tổ chức CARE tại Việt Nam tiếp tục tài trợ để mô hình bán trú được mở rộng tại nhiều điểm trường trong toàn xã. Điều này không chỉ giúp nhà trường chăm sóc tốt hơn cho các con mà còn giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây có thời gian để làm ăn kinh tế, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo”, bà Hạnh mong muốn.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, quản lý các dự án phát triển của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, cho biết: Năm 2021 CARE đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu và khảo sát về thực trạng của công việc chăm sóc không được trả công tại các cộng đồng dân cư ít người. Từ đó, CARE đã tài trợ dụng cụ nấu ăn, đồ dùng để học sinh mầm non được học bán trú trưa ở trường.

Buổi sinh hoạt của nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn, huyện Quang Bình, hà Giang với Cán bộ Hội Phụ nữ và cán bộ Tổ chức Care.

Buổi sinh hoạt của nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn, huyện Quang Bình, hà Giang với Cán bộ Hội Phụ nữ và cán bộ Tổ chức Care.

Nâng cao vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số

Góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.600 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở 12 xã thuộc 3 huyện Quang Bình, Tam Đường và Sìn Hồ của tỉnh Hà Giang và Lai Châu.

Dự án lấy phụ nữ làm trung tâm, xây dựng các mô hình kinh tế do chính chị em thảo luận, quyết định và lựa chọn đầu tư; phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Tính đến nay, dự án đã thành lập được 35 nhóm phát triển sinh kế với hơn 900 thành viên, hơn 90% là phụ nữ.

Tới nay, có 706 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao năng lực về đa dạng hóa thu nhập thông qua việc tham gia vào 35 nhóm sinh kế ứng dụng các biện pháp canh tác, chăn nuôi có tính đến yếu tố môi trường và thích ứng với khí hậu. 7 mô hình sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã được hỗ trợ vốn và kỹ thuật để phát triển. Có 466 nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số được cải thiện kỹ thuật trồng chè theo chứng nhận của EU và Đài Loan.

Thăm quan các mô hình phát triển của dự án Care

Thăm quan các mô hình phát triển của dự án Care

Chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình (Hà Giang), cho biết huyện có 6/15 xã nằm trong vùng dự án của CARE. Đây đều là những xã khó khăn, có những thôn, bản còn chưa có điện lưới.

Sau khi dự án của CARE triển khai đã tác động rất lớn đến việc phát triển phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15,08%; đến cuối 2023 giảm còn 9,24%. Tỉ lệ hộ cận nghèo năm 2022 là 11,32%, nay còn 7,83%.

Đặc biệt, theo chị Quyên, “nhận thức của cộng đồng, của người đàn ông đối với người phụ nữ đã thay đổi rõ rệt. Từ những việc trước đây chỉ mặc định dành cho phụ nữ thì hiện nay đã có sự chia sẻ của các ông chồng. Hiện trong 6 xã có 32 nhóm sinh kế, tín dụng tiết kiệm tự quản với 732 thành viên, đã cho 147 chị vay, với số tiền tiết kiệm hàng năm lên gần 1 tỉ đồng.

"Giai đoạn 2021–2025, dự án hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở sáu xã của tỉnh Hà Giang và ba xã của tỉnh Lai Châu. Hiện nay, các hoạt động của dự án đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số" - Ông Nguyễn Đức Thành cho biết

Theo Đời sống
back to top