Lào Cai: Phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm khẳng định vị thế làm chủ

Phụ nữ dân tộc thiểu số  ở Lào Cai đã biết tận dụng thế mạnh vùng miền và giá trị văn hóa truyền thống để trồng trọt và phát triển du lịch...mang lại nguồn thu lớn, thoát khỏi đói nghèo...

Dự án Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) đã bước đầu có được những kết quả nhất định, giúp nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin phát triển kinh tế và khẳng định được vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Trồng rau và dứa để thoát nghèo bền vững

Lùng Phình là xã vùng cao của huyện Bắc Hà, có khí hậu đặc trưng ôn đới, mùa đông lạnh giá, trước đây bà con vẫn bỏ hoang đất trong mùa đông. Mấy năm gần đây, tận dụng lợi thế vùng cao có khí hậu mát mẻ quanh năm, phụ nữ người Phù Lá, người Mông ở xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà, Lào Cai), đã chọn hướng canh tác rau ôn đới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Bà Giàng Sín Xuyển - Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Phình, cho biết: “Ngày trước phụ nữ ở Lùng Phình không có thói quen sản xuất cây vụ đông, nếu có làm thì cũng chỉ để phục vụ nhu cầu cho gia đình. Nhưng giờ đây, chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi nhận thức hiệu quả của việc sản xuất rau ôn đới, tập trung nguồn lực để phát triển thành sản phẩm hàng hóa đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Cho đến nay, phụ nữ cả 6 thôn trên toàn xã đều canh tác gieo trồng rau vụ đông”.

Phát triển trồng rau ôn đới mang lại giá trị kinh tế cao cho chị em Lào Cai

Phát triển trồng rau ôn đới mang lại giá trị kinh tế cao cho chị em Lào Cai

Lùng Phình là xã đi đầu với diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2023 - 2024 là 35ha cây rau màu, trong đó có 3ha bắp cải, 5ha rau đặc sản đậu Hà Lan, 11 ha đậu đỗ và hàng chục ha các loại rau khác như su hào, cải ngọt, cải mèo, cải kale... Bên cạnh đó, bà con cũng trồng được 5ha cây dược liệu đương quy.

Chị Giàng Thị Chứ - chủ một nương rau ở Lùng Phình - cho biết: “Có thời điểm giá rau cải kale lên tới 50 nghìn đồng/kg, nên vào vụ đông xuân, mỗi gia đình cũng có nguồn thu từ vài chục triệu đồng, có nhà diện tích lớn, trồng được nhiều rau thì có thể thu được hàng trăm triệu đồng/vụ. Đây là nguồn động lực rất lớn để chị em phụ nữ phấn đấu canh tác gieo trồng rau”.

Trồng dứa mang giúp nhiều gia đình chị em phụ nữ Lào cai thoát nghèo

Trồng dứa mang giúp nhiều gia đình chị em phụ nữ Lào cai thoát nghèo

Tương tự, trồng dứa đã giúp phụ nữ ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) và gia đình có thu nhập ổn định, không còn phải bươn chải đi làm ăn xa...Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (địa phương có sản lượng dứa cao nhất toàn tỉnh), trên địa bàn huyện hiện có 1.657 ha dứa.

Hàng năm, nguồn thu từ dứa trên địa bàn huyện Mường Khương đạt hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân rất lớn. Đặc biệt, sản lượng dứa làm ra, phần lớn được tiêu thụ ngay tại địa phương.

Đặc biệt, quá trình canh tác dứa, phụ nữ ở Mường Khương cũng tích cực học hỏi, nâng cao kinh nghiệm trồng và chăm sóc, ngoài ra, chị em cũng tiếp cận với công nghệ thông tin, mạng xã hội để cập nhật thông tin và giao dịch mua bán trực tuyến....Đây cũng là một trong những giá trị mà cây dứa đem lại".

Buôn bán dứa tại Lào cai

Buôn bán dứa tại Lào cai

Khai thác văn hóa truyền thống để phát triển du lịch

Từ những người nông dân gắn với trồng trọt và chăn nuôi làm kế sinh nhai chính, khoảng chục năm trở lại đây, phụ nữ Tày ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm để chuyển sang phát triển du lịch cộng đồng một cách mạnh mẽ, gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận.

Bà Lương Thị Quyên ở thôn Bản Hón, xã Nghĩa Đô là chủ một cơ sở homestay. Trước kia bà chỉ biết làm nông nghiệp, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, bà và gia đình đã chuyển sang làm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du lịch. Từ đó đến nay, cơ sở của gia đình bà Quyên đã phát triển ổn định, ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Bà Quyên chia sẻ: “Mới đầu làm du lịch mình bỡ ngỡ lắm, nhưng được sự động viên giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, gia đình cũng vừa làm vừa học thêm kinh nghiệm, từ việc đón khách, nấu ăn, dọn phòng, hướng dẫn viên... Sau một thời gian thì mọi thứ cũng đi vào ổn định và phát triển được”.

Phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô làm du lịch rất độc đáo. Họ biết cách khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những nét đặc trưng trong phong tục tập quán lao động sản xuất để ứng dụng vào phát triển thành hệ sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm nét riêng của địa phương.

Bà Hoàng Thị May chia sẻ: “Chị em nhận thấy du khách về đây thích những nét văn hóa truyền thống của dân tộc địa phương nên bảo nhau tập trung khai thác. Ví dụ như tổ chức biểu diễn văn nghệ với múa quạt, hát then; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương như kéo co, ném còn... Ngoài ra, còn làm các món ăn truyền thống của dân tộc để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch, tạo được ấn tượng với du khách".

Từ những ngày đầu làm du lịch còn bỡ ngỡ, cho đến nay toàn xã Nghĩa Đô đã có gần 20 hộ gia đình làm mô hình du lịch homestay, nhờ đó tạo ra việc làm và thu nhập khá ổn định cho các chị em. Trước kia làm nông nghiệp thuần túy, nguồn thu nhập của họ chủ yếu lệ thuộc vào mùa vụ, không ổn định. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, mỗi tháng các hộ gia đình làm homestay có thêm nguồn thu nhập bình quân trên 10 triệu/tháng.

Khu du lịch xã Nghĩa Đô, Lào Cai

Khu du lịch xã Nghĩa Đô, Lào Cai

Ngoài ra, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng góp phần thúc đẩy chị em mạnh dạn sử dụng mạng xã hội, mở rộng tương tác với thị trường, đặc biệt là quảng bá giới thiệu hình ảnh quê hương và bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.

Bà Lương Thị Quyên chia sẻ: “Chị em chúng tôi đã thành thạo sử dụng điện thoại để đăng tin quảng bá, giới thiệu dịch vụ du lịch, bản sắc văn hóa, cảnh quan làng bản, thiên nhiên để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ homestay thì chị em hoàn toàn có thể trao đổi giao dịch online với họ rất tiện lợi".

Hiện nay, xã Nghĩa Đô đã được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch của tỉnh, vì vậy người dân nơi đây càng tự hào, chú trọng đầu tư phát triển du lịch về cơ sở hạ tầng lẫn kỹ năng phát triển du lịch.

Ông Vũ Ngọc Quang Phó Trưởng ban quản lý di tích huyện Bảo Yên cho biết: “Du lịch không chỉ đem đến việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ xã Nghĩa Đô mà nó còn đem đến sự tự tin, sự chủ động và đặc biệt là giúp nâng cao vai trò và vị thế của chị em trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhận thức được điều này, nhiều chị em càng tập trung đầu tư phát triển mạnh hơn nữa, khiến du lịch xã Nghĩa Đô có những bước phát triển rất mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng”.

Các cán bộ của chương trình đi thăm quan sự phát triển của các dự án

Các cán bộ của chương trình đi thăm quan sự phát triển của các dự án

“Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam” (AWEEV) là một dự án hỗ trợ phát triển sinh kế chính phủ Canada tài trợ thông qua CARE. Dự án được thiết kế nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

AWEEV đã được thiết kế phù hợp với Chính sách hỗ trợ quốc tế về nữ quyền (FIAP) của Bộ Ngoại giao Canada (GAC). Dự án được củng cố bằng cách tiếp cận dựa trên quyền nhằm giải quyết bất bình đẳng giới với cộng đồng phụ nữ nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất ở Việt Nam.

Liên quan đến các chiến lược và kế hoạch của chính phủ, AWEEV sẽ hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (nghị quyết số 88/2019/QH14), tập trung vào hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sống của người DTTS tại 1.400 xã nghèo nhất cả nước.

AWEEV cũng sẽ trực tiếp góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Dự án giải quyết các vấn đề chính: hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm gánh nặng công việc chăm sóc, nâng cao khả năng ra quyết định của phụ nữ trong gia đình, thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính, và nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số

Theo Đời sống
back to top