Bị bệnh động mạnh vành có nên chơi thể thao?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều nghiên cứu cho thấy vận động thể dục đều đặn và đúng cách cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát cơn đau thắt ngực.

Hỏi: Tôi vẫn chạy bộ và tập thể thao hằng ngày nhưng mới phát hiện bệnh động mạch vành nên vợ không cho tập sợ ảnh hưởng tới tim. Xin hỏi, bệnh của tôi có chơi thể thao được không? Tập như thế nào cho đảm bảo?

Nguyễn Văn Hưng (Hà Nội)

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Những bệnh nhân bệnh mạch vành thường e sợ hoạt động thể thao sẽ gây nguy hiểm cho tim. Tuy nhiên, tập luyện thể dục thể thao đều đặn lại là một phần của quá trình điều trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vận động thể dục đều đặn và đúng cách cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời giảm tỷ lệ tái phát cơn đau thắt ngực.

Bạn nên tránh những môn thể thao nặng, đòi hỏi nhiều oxy như chạy bộ, bơi nhanh, quần vợt. Thay vào đó, có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, tập thái cực quyền, bơi chậm. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc cần tuân theo:

- Cần tư vấn bác sĩ để đánh giá khả năng gắng sức.

- Tập luyện kiên trì trong thời gian dài.

- Tập luyện đều đặn tất cả các ngày trong tuần (hoặc ít ra tối thiểu 4 - 5 buổi một tuần).  

- Mỗi buổi tập kéo dài ít nhất khoảng 30 phút.

- Tập luyện với cường độ vừa đủ để làm nóng cơ thể, ra mồ hôi nhẹ. Đừng tập đến mức gây khó thở.

- Tránh những hoạt động thể lực có thể gây tăng áp lực lồng ngực hay áp lực ổ bụng.

- Ngừng ngay mọi hoạt động thể lực và đi khám nếu có các biểu hiện tức ngực, khó thở, chóng mặt… khi tập.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top