Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm đến mức nào?

Mới đây, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2023. Bệnh nhân T., nam, SN 2012, trú thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây tổn thương ở não và hệ thần kinh trung ương. Bệnh lây truyền từ súc vật (như lợn, chim) mang virus sang người qua muỗi chích có tên là Culex. Ở Việt Nam, viêm não Nhật Bản thường xảy ra cao điểm trong mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8), nhiệt độ cao, thuận lợi cho loài muỗi sinh sôi nảy nở và truyền bệnh. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh nhất (hút máu người) vào lúc chập tối.

Triệu chứng viêm não Nhật Bản

Sốt cao, co giật, hôn mê là 3 triệu chứng viêm não Nhật Bản điển hình nhất của viêm não Nhật Bản.

Sau khi virus JEV xâm nhập vào cơ thể, thì não và hệ thần kinh trung ương của người bệnh sẽ xuất hiện nhiều tổn thương theo từng giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn ủ bệnh

Viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh là từ 5 – 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt của bệnh.

Giai đoạn khởi phát

Sau giai đoạn ủ bệnh, virus viêm não Nhật Bản vượt qua hàng rào mạch máu – não và gây phù não với các triệu chứng khởi phát đột ngột sốt cao 39 – 40 độ C hoặc hơn. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1 – 2 ngày đầu có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng,…

Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ còn là đau bụng, tiêu chảy, nôn giống như ngộ độc ăn uống.

Giai đoạn toàn phát

Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày 6 – 7, triệu chứng viêm não Nhật Bản tiến vào giai đoạn toàn phát. Triệu chứng bệnh nổi bật nhất trong giai đoạn này là tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú.

Sang ngày thứ 3 – 4 của bệnh, các triệu chứng không giảm mà diễn tiến nặng hơn. Người bệnh từ mê sảng kích thích dần rơi vào hôn mê sâu. Không những vậy, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên. Người bệnh vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn nhịp thở. Cuồng sảng, ảo giác, tăng trương lực cơ khiến người bệnh nằm co quắp, giật rung các cơ mặt và chi. Ở một số người bệnh còn có trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.

Giai đoạn lui bệnh

Từ ngày thứ 8 trở đi, nhiệt độ cơ thể người bệnh giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm. Các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng suốt đời như: điếc, liệt chi,… ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Đối tượng dễ bị viêm não Nhật Bản

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ 5-9 tuổi.

Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh và gây biến chứng nếu chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh Viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản có nguy hiểm không?

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao hoặc di chứng thần kinh nghiêm trọng vĩnh viễn như động kinh, giảm học lực, chậm phát triển trí tuệ, liệt, thất ngôn,…

Các biến chứng của viêm não Nhật Bản

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng của viêm não Nhật Bản nguy hiểm như: Viêm phế quản, viêm phổi, Viêm bể thận – bàng quang, Loét nhiễm trùng, Rối loạn chuyển hóa, Rối loạn tâm thần.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm như động kinh và Parkinson.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, loại bỏ các ổ bọ gậy.

- Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi.

- Tiêm vaccine là biện pháp phòng Bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất. Vì vậy hãy đưa trẻ đến trạm y tế và các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi ; Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ trên 15 tuổi.

- Khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, mất ngủ, quấy khóc, vật vã, mê sảng… thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top