Bệnh tim mạch do thai sản

(khoahocdoisong.vn) - Các biến đổi khi mang thai có thể dẫn đến bệnh lý tim mạch gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Khi người phụ nữ có thai sẽ xuất hiện các biến đổi của tim (tăng nhịp tim lên 10 – 15 nhịp/phút, tăng cung lượng tim lên 30 – 40%) và mạch máu (tăng thể tích tuần hoàn lên 40 – 50%). Chúng làm tăng công cơ tim và tăng gánh nặng cho sản phụ. Các biến đổi này là bình thường, đảm bảo thai nhi được cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đôi khi mang thai cũng dẫn đến bệnh lý tim mạch và gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Bệnh cơ tim chu sản: Bệnh tuy ít gặp nhưng thường gây tình trạng suy tim tiến triển trong tháng cuối của thai kỳ hoặc trong vòng 5 tháng sau khi đẻ. Nguyên nhân của bệnh còn chưa rõ ràng. Phụ nữ có bệnh cơ tim chu sản sẽ biểu hiện các triệu chứng của suy tim. Sau khi đẻ, kích thước và chức năng tim trở về bình thường, mặc dù một số người vẫn còn triệu chứng, kèm theo chức năng thất trái giảm. Phụ nữ bệnh cơ tim chu sản sẽ tăng nguy cơ biến chứng trong những lần mang thai tiếp theo.

Tăng huyết áp do thai nghén: Khoảng 6 - 8% phụ nữ có tăng huyết áp trong khi mang thai. Tăng huyết áp do mang thai liên quan đến tiền sản giật và nhiễm độc thai nghén. Các đặc điểm đặc trưng là huyết áp cao, phù do ứ nước và protein niệu. Tăng huyết áp do mang thai có thể nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu có nguy cơ cao bị tăng huyết áp ở lần mang thai sau và còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và đột quỵ sau này. Những người bị tiền sản giật hoặc chậm phát triển bào thai trong buồng tử cung sẽ tăng nguy cơ bị bệnh và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Tiếng thổi ở tim ở phụ nữ có thai: Đôi khi, có thể gặp một tiếng thổi ở tim, như là hệ quả của tình trạng tăng lưu lượng máu khi mang thai. Nói chung, tiếng thổi này lành tính. Tuy nhiên, nó cũng có thể là biểu hiện của bệnh van tim. Hãy đi khám bác sĩ để xác định căn nguyên của tiếng thổi này.

Rối loạn nhịp tim: Hay gặp nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim) trong quá trình mang thai. Các rối loạn nhịp có thể được phát hiện lần đầu khi mang thai ở phụ nữ không có bệnh tim, hoặc là hậu quả của bệnh lý tim mạch sẵn có. Hầu hết các trường hợp không biểu hiện triệu chứng và không cần điều trị. Nếu triệu chứng tiến triển, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây rối loạn nhịp.

Lưu ý: Khi mắc bệnh tim mạch, trong quá trình mang thai, người mẹ cần tiếp tục chế độ ăn có lợi cho hệ tim mạch. Tập thể dục đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ tim mạch; Bỏ thuốc lá. Bên cạnh việc khám thai định kỳ, thai phụ cần đều đặn đến khám bác sĩ tim mạch và tuân thủ những chỉ dẫn của thầy thuốc.

Bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim của thai phụ trong suốt quá trình mang thai, phát hiện và xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng nhằm đảm bảo  việc mang thai an toàn và sinh “mẹ tròn con vuông”. Một số bệnh lý tim mạch đòi hỏi cả một êkip chăm sóc bệnh nhân, gồm bác sĩ sản khoa, bác sĩ tim mạch, bác sĩ gây mê và bác sĩ nhi. Tùy theo tình trạng bệnh của sản phụ, sẽ có những chế độ theo dõi đặc biệt khi sản phụ chuyển dạ và sinh con.      

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top