Trong cuộc sống có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch, trong đó có yếu tố gia đình. Một số bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình.
Ngoài ra, có các yếu tố khác là:
Hút thuốc: Hút thuốc lá hoặc hút thuốc lào đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên…
Ít hoạt động thể lực: Lười hoạt động thể lức làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…
Thừa cân: Là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành.
Căng thẳng (stress): Các căng thẳng trong cuộc sống, các stress tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Tăng cholesterol máu: Làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới.
Tăng huyết áp: Kẻ giết người thầm lặng, là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên…
Đái tháo đường: Bệnh lý này là yếu tố nguy cơ rất mạnh mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch chủ và bệnh động mạch ngoại biên…
Tuổi: Nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia)