Bệnh phổi kẽ nguy hiểm hơn ung thư?

Bệnh phổi kẽ được coi là gây "chết đuối trên cạn", với tỷ lệ mắc tương đối nhiều. So với ung thư phổi, bệnh tiến triển ác tính nhiều hơn, thời gian sống thêm chỉ vài tháng đến 2,5 năm.

Trên thế giới, thống kê tại Mỹ và châu Âu cho thấy, tỉ lệ người dân mắc bệnh phổi kẽ khoảng 70/100.000 dân. Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo ước tính, cả nước có khoảng 70.000 người mắc căn bệnh này. Điều đáng nói, bệnh phổi kẽ là căn bệnh không lây nên ít được quan tâm.

Mừng thoát ung thư, ai ngờ mắc phổi kẽ

Bà Nguyễn Thị G., 50 tuổi (Hòa Bình), bị ho khan từ trong Tết sau đó tức ngực không thở được. Bà nhập viện gần nhà được chẩn đoán tràn dịch màng phổi, suy hô hấp nghi ung thư phổi.

Tại tuyến trung ương sau khi chiếu chụp và làm các xét nghiệm, bác sĩ thông báo bà không bị ung thư phổi mà mắc bệnh viêm phổi kẽ vô căn. Cả gia đình chưa kịp vui mừng thì được biết căn bệnh này còn nguy hiểm và có tiên lượng xấu hơn cả ung thư phổi.

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Phổi TƯ

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Phổi TƯ

Theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống, tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương hàng ngày điều trị cho từ 70 - 100 bệnh nhân bị bệnh phổi. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.

Điều đáng nói, người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục.

Bệnh phổi kẽ thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Các bệnh lý di truyền thuộc nhóm bệnh phổi kẽ thường xuất hiện ở người trong độ tuổi 20 - 40. Tình trạng xơ phổi vô căn gặp ở người độ tuổi 50, nhưng cũng gặp ở cả người trẻ và trẻ nhỏ.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên giám đốc Bệnh viện TƯ cho biết, bệnh phổi kẽ là bệnh gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm/xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở. Bệnh tiến triển thành xơ phổi, tổn thương không thể hồi phục.

“Bệnh phổi kẽ có tiên lượng rất xấu, 50% ca bệnh tử vong sau 2,5 năm phát hiện bệnh, có trường hợp tử vong sau vài tháng; 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm. Trong khi đó, người bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm đến 80%. So với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển ác tính nhiều hơn”, BS Nhung khuyến cáo.

PGS.TS Nguyễn Đình Tiến, Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108 phân tích, bệnh phổi kẽ, còn gọi là bệnh nhu mô phổi lan tỏa là tên chung của một nhóm bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi (vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu phổi). Tổ chức kẽ phổi bao gồm biểu mô phế nang, biểu mô mao mạch phổi, màng nền, tổ chức quanh mạch máu và quanh hệ lympho.

“Bình thường khi phổi bị tổn thương sẽ kích thích quá trình sửa chữa hàn gắn, nhưng ở bệnh nhân bị bệnh phổi kẽ thì quá trình sửa chữa hàn gắn đó lệch lạc dẫn đến tổ chức quanh phế nang hình thành sẹo và dày lên bất thường. Chính vì thế, màng phế nang mao mạch dày lên và xơ hóa dẫn đến trao đổi oxy qua đó gặp khó khăn, người bệnh bị suy hô hấp và dễ tử vong”, PGS.TS Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh.

Điều trị khó khăn, chi phí cao

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tiến, có khoảng 180 loại bệnh phổi kẽ khác nhau. Trong đó có nhóm rõ nguyên nhân do phơi nhiễm với các chất vô cơ như: bệnh bụi phổi silic, Bệnh bụi phổi do tiếp xúc với bụi Amiang (Asbestosis), Bệnh bụi phổi do tiếp xúc với berili, bụi than….;

Các chất hữu cơ như: chim nuôi, rơm, nấm mốc, Mycobacteria; Phơi nhiễm với khói bụi: viêm phổi kẽ tróc vảy, bệnh phổi kẽ - viêm tiểu phế quản hô hấp, Langerhans cell histiocytosis; Bệnh do thuốc: Nitrofurantoin, Amiodarone, Methotrexate, do điều trị bằng hóa chất ung thư; Bệnh tổ chức liên kết do bệnh tự miễn: Viêm khớp dạng thấp, viêm đa cơ/ viêm da cơ, xơ cứng bì hệ thống, hội chứng Sjogren... và nhiều nhất là viêm phổi kẽ không rõ căn nguyên (vô căn).

BS Trần Thị Kim Ngọc, Bệnh viện Medlatec cảnh báo, bệnh phổi kẽ gồm rất nhiều bệnh lý khác nhau và triệu chứng không đặc hiệu khá tương tự với nhiều bệnh lý hô hấp khác nên việc tiếp cận chẩn đoán và phân loại là một thách thức với các bác sĩ lâm sàng. Thêm vào đó, việc điều trị cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, phương tiện, giá thành cao.

Triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh là tình trạng khó thở, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng theo mức độ tổn thương của các tổ chức kẽ trong phổi. Triệu chứng bệnh khác thường xuất hiện muộn và không điển hình như: Ho ra máu; Khó thở khi gắng sức; Các triệu chứng ngoài phổi như khó nuốt, viêm khớp; Rối loạn thông khí hạn chế lúc nghỉ và khi gắng sức...

Ngoài triệu chứng lồng ngực, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: sưng đau khớp, sụt cân, hạch ngoại vi… Cần cẩn thận với viêm phổi kẽ cấp tính, triệu chứng bệnh nặng lên nhanh chóng, tiến triển chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày có thể gây suy hô hấp cấp nguy hiểm cho sức khỏe.

Bệnh phổi kẽ phải điều trị suốt đời, thuốc điều trị hiện nay rất đắt. Với các tổn thương nghiêm trọng và không hồi phục, bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ có thể phải cấy ghép phổi để kéo dài sự sống nhưng nguồn ghép phổi còn hạn chế.

“Bệnh phổi kẽ có thể gây ra những tổn thương khó hồi phục, ảnh hưởng lớn đến quá trình hô hấp và sức khỏe của người bệnh. Do đó khi có dấu hiệu nghi ngờ, nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh phổi kẽ, tỉ lệ kéo dài sự sống của bệnh nhân lên tới 80%” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top