Bé trai 8 tuổi nguy kịch vì dùng thuốc hạ sốt quá liều

Nhập viện trong tình trạng lơ mơ, rối loạn đông máu, suy gan với men gan cao 9.500 UI/L bé trai 8 tuổi được chuẩn đoán do uống hạ sốt quá liều.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, mới đây đơn vị đã cấp cứu thành công cho một bé trai 8 tuổi trong tình trạng nguy kịch, men gan cao gấp 300 lần bình thường do uống Paracetamol (thuốc hạ sốt) quá liều.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bệnh nhân là bé N.M.T. (8 tuổi, trú tại tỉnh Tây Ninh), sống cùng ông bà ngoại.

Theo lời người nhà của bệnh nhân, do bé bị sốt nên bà đã tự mua thuốc hạ sốt ở hiệu thuốc gần nhà để cho cháu uống. Do không được hướng dẫn kỹ nên khi cháu sốt cao, cứ cách 1 giờ bà lại luân phiên cho cháu sử dụng thuốc gồm cả thuốc dạng viên, dạng gói và đặt hậu môn. Dùng thuốc liên tục trong 2 ngày, bé trai bắt đầu rơi vào trạng thái bỏ ăn, hôn mê, suy hô hấp… Lúc này gia đình mới đưa bé đến bệnh viện tỉnh và được chuyển gấp lên Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại Khoa Hồi sức nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi trong tình trạng lơ mơ, rối loạn đông máu, suy gan với men gan cao 9.500 UI/L (đối với người bình thường là 30-40 UI/L). Sau đó bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp kết hợp truyền thuốc, huyết tương tươi đông lạnh để điều chỉnh rối loạn đông máu và các biện pháp hỗ trợ khác. Nhờ điều trị tích cực nên tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, ăn uống trở lại, men gan từ từ hạ, chức năng gan trở lại bình thường và được xuất viện sau đó 1 tuần.

Trao đổi trên Sức khỏe & Đời sống, BS Tâm Trang cho biết, sốt là tình trạng tăng nhiệt độ của cơ thể trên mức bình thường. Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ rất quan trọng bởi nếu dùng sai sẽ gây hại.

Khi trẻ bị sốt, cần bổ sung nước và điện giải. Oresol là loại nước bổ sung điện giải tốt nhất cho trẻ nếu trẻ bị sốt kèm theo tiêu chảy hay nôn. Loại nước này khá khó uống với trẻ và nhiều trẻ bị nôn khi uống. Do đó, nên cho trẻ uống ít một và nghỉ 5-10 phút sau mỗi lần uống.

Cần pha cả gói với số lượng nước theo đúng tỉ lệ hướng dẫn trên gói thuốc. Không pha ½ hay 1/3 gói vì khi chia thuốc không chính xác sẽ làm thay đổi nồng độ các chất điện giải trong dung dịch, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như: Trẻ bị co giật, rối loạn tri giác do nồng độ đậm đặc hoặc thuốc không có tác dụng do pha loãng…

Ngoài ra, nếu trẻ khó khăn trong hợp tác uống oresol, bố mẹ có thể thay thế bằng các chế phẩm khác như nước lọc, nước trái cây hoặc sữa.

Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên (hoặc từ 38 độ C ở các trẻ có tiền sử sốt cao co giật) cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.

- Paracetamol: Là loại thuốc được khuyến cáo dùng khi chưa loại trừ được trẻ có sốt xuất huyết hay không. Paracetamol còn được gọi là acetaminophen. Đây là một thuốc giảm đau và hạ sốt khá an toàn. An toàn nhất là sử dụng paracetamol dưới dạng đơn chất, với liều từ 10-15mg/kg đối với trẻ em, uống cách 4-6 giờ.

- Ibuprofen: Chỉ được dùng nếu trẻ không bị sốt xuất huyết. Liều 10 mg/kg cân nặng, uống cách 4-6h nếu trẻ còn sốt. Riêng loại thuốc này chỉ dùng khi có sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ.

- Miếng dán hạ sốt: Miếng dán hạ sốt không có tác dụng hạ sốt mà chỉ có tác dụng làm cảm giác mát, dễ chịu tại vị trí dán.

- Chườm ấm: Khi trẻ bị sốt nên kết hợp chườm ấm để hạ sốt cho trẻ. Chườm ấm sẽ khiến lỗ chân lông trên cơ thể giãn nở, giãn các mạch máu ngoại vi, tăng khả năng tản nhiệt, từ đó hạ sốt.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trên Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), khuyến cáo khi trẻ sốt từ 24 đến 48 giờ không hạ, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tại đây, nhân viên y tế sẽ khám tìm nguyên nhân và hướng điều trị, hạ sốt phù hợp.

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau được bán trên thị trường rất nhiều, rất dễ mua. Dù có nhiều tên gọi khác nhau, thành phần thuốc đều chứa paracetamol. Phụ huynh không nên nóng vội mà cho trẻ dùng liên tục, tự ý tăng liều thuốc, nguy cơ dẫn đến ngộ độc, suy gan.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top