Bắt con vắt sống hơn 10 ngày trong mũi bệnh nhân

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân Nguyễn Hoàng H. (Hà Nội) đi khám vì hắt hơi, ho, ngạt mũi, nước mũi có máu... không ngờ phát hiện ra con vắt bên trong cuốn mũi.

Chiều ngày 21/10, bệnh nhân Nguyễn Hoàng H. (38 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc khi bị hắt hơi, ngạt mũi, nước mũi có máu và ho nhẹ. Kết quả nội soi tai cuốn mũi bị sung huyết, khe giữa mũi phải có dị vật sống đang “ngoe nguẩy” bên trong cuốn mũi.

Bệnh nhân cho biết, cách đó hơn 10 ngày có đi phượt. Dù đã trang bị đầy đủ: Che mặt che tai mũi và miệng nhưng đã ghé vào khe suối hứng nước, sơ ý bỏ đồ bảo hộ và bị vắt chui vào mà không biết. Khi về nhà không thấy biểu hiện gì khác thường, sau đó có hiện tượng hắt hơi, chảy nước mũi, xì mũi ra máu.

Hình ảnh con vắt trong mũi bệnh nhân trên nội soi

Hình ảnh con vắt trong mũi bệnh nhân trên nội soi

BS  Nguyễn Quang Huy – người trực tiếp tiến hành nội soi gắp dị vật trong mũi bệnh nhân H cho hay: Trường hợp lấy dị vật sống là “con vắt” trong mũi của anh H cần phải thực hiện một cách thật cẩn thận và khéo léo vì loại dị vật này có đặc tính trơn, khó gắp và rất dễ đứt. Nếu không lấy cẩn thận, chúng có thể chui sâu vào các vị trí khó tìm. Nguy hiểm nhất là chui vào xoang mũi có thể phải can thiệp ngoại khoa. Các bác sĩ đã xịt thuốc tê để dị vật “nhả” ra khỏi niêm mạc mũi người bệnh và gắp ra ngoài.

Con vắt được lấy ra

Con vắt được lấy ra

BS.TTƯT Dương Văn Tiến, Trưởng phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết: Vắt thường xâm nhập vào trong cơ thể qua các đường mũi (là chủ yếu), miệng, các vùng kín trong cơ thể (nhưng rất ít).  Chúng có giác bám, bám vào lớp niêm mạc mũi, hút máu, đặc biệt tạo ra chất không đông nên thường không gây đau, rát nhưng khi chúng nhả ra sẽ gây ra chảy máu. Khi cư trú trong mũi, chúng gây kích ứng mũi, ngạt mũi, chảy máu mũi, khó chịu trong mũi. Ở thanh quản gây ra hiện tượng khó thở và rất khó chịu. Chúng hút máu và có kích thước lớn dần lên mỗi ngày.

Để bảo vệ tai mũi họng, người bệnh cần che bịt cẩn thận các khu vực tai, mũi, họng, khi đến các khu vực rừng núi, sông suối để tránh dị vật xâm nhập vào cơ thể theo đường mũi, tai, miệng; Không nên uống nước suối; Mặc quần áo dài, trang bị bảo hộ cẩn thận; Sau khi đi ra ngoài về cần vệ sinh tai mũi họng cẩn thận, và thăm khám ngay khi có dấu hiệu khác thường.

Theo Đời sống
back to top