Gắp dị vật đường thở qua nội khí quản cho bệnh nhân còn một phổi

Chiều ngày 15/3, PGS.TS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa gắp thành công dị vật đường thở (là hạt mãng cầu) qua nội khí quản cho bệnh nhân P. T. O (sinh năm 1963, ngụ Bình Chánh, TPHCM)

Người nhà bệnh nhân cho biết, do cười đùa trong khi ăn nên bệnh nhân đã bị sặc hạt mãng cầu vào phổi, gây ho sặc sụa và khó thở.

Trước đó bệnh nhân đã được người nhà đưa vào cấp cứu tại 2 cơ sở y tế tại TPHCM và đều được chẩn đoán là hóc dị vật đường thở, tuy nhiên do dị vật là hạt mãng cầu rất khó gắp nên bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy ngày 14/3.

Hình ảnh X.quang phổi bệnh nhân P. T. O trước và sau gắp dị vật.

Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán bị hóc dị vật đường thở, qua chẩn đoán hình ảnh và làm các xét nghiệm, thông qua hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ đã quyết định chọn phương pháp nội soi qua nội khí quản để gắp dị vật cho bệnh nhân trong tình huống cấp cứu.

ThS.BS Phạm Thị Vân Thanh, người trực tiếp gắp dị vật cho bệnh nhân cho biết, do bệnh nhân bị lao phổi đã hơn 20 năm nên một bên phổi của bệnh nhân bị sẹp, chỉ còn một phổi hoạt động, vì vậy lương oxy cung cấp cho bệnh nhân chỉ đáp ứng được 50%. Trong quá trình nội soi, bệnh nhân đâ bị ngưng thở 4 lần và các bác sĩ đã phải rất vất vả để vừa nội soi vừa cấp cứu cho bệnh nhân. Sau 30 phút căng thẳng, với sự kết hợp nhịp nhàng giữa 4 khoa (hô hấp, nội soi, tai mũi họng, cấp cứu), các bác sĩ đã gắp thành công dị vật ra khỏi phổi cho bệnh nhân, hiện sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục.

Bệnh nhân P. T. O đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy

Cũng theo PGS.TS Trường, hạt mãng cầu và hạt hồng xiêm là hai loại dị vật khó gắp nhất vì nó rất trơn, hơn nữa bệnh nhân bị suy hô hấp mãn tính hơn 20 năm nên phải thực hiện gắp dị vật cho bệnh nhân qua nội khí quản, đây là một trường hợp rất khó và hiếm gặp mà PGS.TS Trường mới gặp lần đầu.

PGS.TS Trường khuyến cáo người dân trong lúc ăn uống không nên cười đùa tránh gây sặc hóc. Nếu đã bị hóc tuyệt đối không được chủ quan mà phải đến bệnh viện để gắp ra ngay vì nếu để lâu có thể gây viêm phổi kéo dài hoặc áp xe phổi…, gây khó khăn trong điều trị và ảnh hưởng đến tính mạng.

Thuỷ Nguyễn

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top