Một vòng nhân quả nhãn tiền

Một vòng nhân quả nhãn tiền như thế mà chả ai thấy. Chúng ta đang làm hại nhau, đang tạo ra sự quá tải cho bệnh viện rồi chính ta phải gánh chịu.

Hình minh họa.

Hơn 7h sáng, tôi vào Bệnh viện Việt Đức mà mãi không tìm được chỗ gửi xe. Bãi gửi xe bên Viện Phụ sản TW cũng đã hết chỗ, vòng sang Viện K cũng thấy đã kín mít, không còn chỗ. May sau một hồi lòng vòng tôi cũng tìm được chỗ gửi xe bên kia đường với giá 10.000đ/xe.

Người đông khủng khiếp! Sao lắm người ốm, lắm người vào viện thế không biết?

Vấn đề quá tải bệnh viện đã được phản ánh lâu rồi, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng dường như mới chỉ là giải quyết phần ngọn mà cũng chưa xong. Trong khi đó phần gốc, tức là làm sao cho người ta bớt ốm đi thì lại chưa được quan tâm.

Ngay cả bảo hiểm y tế cũng thế, mới chỉ lo đến việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh chứ chưa lo việc phòng bệnh.

Chỉ nói riêng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu quản lý tốt để người dân không sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ những đồ ăn không đảm bảo thì cũng đỡ được bao nhiêu người bị bệnh. Và chắc chắn số tiền chi ra để kiểm tra, giám sát, ngăn chặn , tuyên truyền…sẽ nhỏ hơn rất nhiều lần số tiền phải chi ra cho việc khám chữa bệnh.

Bản thân mỗi người cũng vậy, lúc khoẻ thì không lo giữ gìn, để đến khi có bệnh mới nháo nhào chen nhau vào bệnh viện.

Giá như trước khi phun thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, trước khi phun hoá chất bảo quản vào các loại rau quả sắp mang bán, người nông dân nghĩ tới ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ của chính họ và của người tiêu dùng.

Giá như họ biết nghĩ rằng tiếp xúc với những hoá chất này lâu ngày chính họ cũng sẽ phải vào Viện K; ăn phải những loại rau quả này, người tiêu dùng sớm muộn rồi cũng phải vào đấy… Nếu biết thế, liệu họ có còn làm liều như vậy?

Giá những người buôn bán, kinh doanh đừng dùng hoá chất để “biến” những loại thịt ôi thiu thành đồ ăn sẵn, đừng bán những loại rau quả nhập khẩu nhiễm đầy độc chất như thế… thì đã giảm đáng kể những bệnh nhân đang xếp hàng rồng rắn trong mấy bệnh viện này.

Chúng ta đang làm hại lẫn nhau, đang tạo ra sự quá tải cho bệnh viện để rồi chính chúng ta phải gánh chịu. Một vòng nhân quả nhãn tiền như thế mà sao chả mấy ai thấy. Hoặc thấy nhưng lại bị mờ mắt bởi những lợi ích trước mắt?

Minh Anh

Theo Đời sống
back to top