Hạn sử dụng tối đa của bánh chưng trong điều kiện thường là 15 ngày. Loại bánh chưng để được đến 9 tháng không hỏng, chắc chắn có sử dụng chất bảo quản.
Bánh chưng Trung Quốc
Loại bánh chưng Trung Quốc được quảng cáo là hàng nội địa, có hạn sử dụng lên đến 9 tháng, được các bà nội trợ đặt mua rầm rộ vì tò mò. Loại bánh chưng này được gói như bánh chưng gù Hà Giang nhưng nhỏ hơn, mở ra có mùi hơi chua, màu nâu nhạt chứ không được xanh. Nhân bên trong có đỗ, một ít thịt, vị bánh vừa phải. Một túi bánh chưng có 2 cái bánh nhỏ được hút chân không. Trên các trang mạng xã hội, bánh chưng Trung Quốc được rao bán tràn lan với giá dao động 50.000-60.000 đồng/túi tùy số lượng, mua càng nhiều giá càng rẻ.
Chia sẻ trên báo chí, chị Trần Thanh Hương, chủ một đầu mối bán bánh chưng Trung Quốc ở Lào Cai cho biết, bánh chưng được chị xách tay tận nơi bên Trung Quốc về. Bánh chưng này mua về có thể ăn được luôn hoặc cho vào rán, hấp lại cho nóng ăn sẽ ngon hơn, bảo quản để được đến 9 tháng không lo nhanh hỏng như bánh chưng Việt mình.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, loại bánh chưng truyền thống của Việt Nam được gói, luộc trong điều kiện đảm bảo thì có thể bảo quản tối đa đến 20 ngày trong điều kiện thường của mùa đông, thời tiết lạnh. Còn mùa hè thì chỉ bảo quản được dưới 10 ngày. Nếu để trong tủ lạnh thì có thể bảo quản được tối đa đến 2 tháng. Ngoài ra, muốn để bánh lâu hơn mà không hỏng thì buộc phải sử dụng chất bảo quản. Vấn đề còn lại chỉ là chất bảo quản đó là chất gì, có được phép sử dụng trong thực phẩm không, đã được Bộ Y tế cấp phép hay chưa…
“Rất nhiều loại bánh kẹo trên thị trường, họ buộc phải dùng chất bảo quản, nhưng là loại chất được cấp phép và an toàn. Còn loại bánh trôi nổi trên thị trường, mua bán qua đường xách tay, thì rất khó để nói nó có an toàn cho sức khỏe không”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.
Không nên lựa chọn rủi ro
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, trước đây ở vùng trung du miền núi phía Bắc, bà con có tập tục gói bánh chưng dài (còn gọi là bánh tày) để ăn Tết. Chọn gạo cẩn thận, gói chặt tay, luộc đến 48 tiếng sẽ cho ra loại bánh cực ngon, để trong điều kiện bình thường lên đến được 6 tháng. Nhưng khi đó bánh khô cứng lại, đến mức phải dùng dao chặt mới được. Lúc này gạo trở thành như cơm khô. Người dân đi làm đồng đem theo bánh, ủ vào đống than củi, buổi trưa lấy ra ăn, sẽ như xôi nướng, rất thơm ngon. Hoặc ngâm bánh xuống giếng nước sẽ để được lâu. Còn lại, tất cả các loại bánh hiện đại, sản xuất ngày nay gần như đều có chất bảo quản.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải mua loại bánh chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ đó, trong khi ở các chợ, siêu thị, những vùng làm bánh chưng nổi tiếng, ngày nào cũng có những mẻ bánh chưng mới. Tôi nghĩ nếu là người tiêu dùng thông minh thì họ sẽ không lựa chọn rủi ro như thế”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.
Trường hợp ở nhiệt độ thường bánh để đến 9 tháng không hỏng sẽ có chất bảo quản, mất đi dinh dưỡng không tốt cho sức khỏe. Và đây thực sự là cảnh báo đáng sợ cho người dùng. Do vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu kĩ, tránh mua hàng không rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh chưng chỉ ngon nhất khi vừa làm xong, nhựa gạo vẫn còn, tinh bột chưa bị biến tính, nhân chưa bị chua, thiu. Tốt nhất nên sử dụng trong 1-2 ngày chứ không nên tích trữ lâu.