Nhiễm khuẩn vào tổ chức kẽ của thận
Viêm bể thận cấp là một bệnh nhiễm khuẩn vào tổ chức kẽ của thận, vì vậy, còn gọi là viêm thận kẽ. Đông y xếp vào loại: « nhiệt lâm », « yêu thống » với biểu hiện: tiểu ra như nước vo gạo, bụng dưới đau cứng, lan đến giữa rốn. Trên lâm sàng cho thấy đa số thuộc thực chứng, nhiệt chứng.
Nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập vào thận theo hai đường chính: Đường máu: Do các ổ nhiễm khuẩn địa phương như: amidal viêm, viêm xoang, bệnh ở răng miệng, ruột thừa, túi mật, bệnh đường ruột... từ đó chuyển vào thận. Đường ngược chiều: Từ một viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu dưới lan lên: tử cung viêm, âm đạo viêm, bàng quang, tiền liệt tuyến...Đường hạch bạch huyết ít khi xẩy ra.
Bệnh thường gặp ở những người đã có một tổn thương địa phương ở bể thận như sự ứ nghẽn nước tiểu gây tắc, giãn đài thận, bể thận... phụ nữ có thai, tử cung đè vào niệu quản hai bên, sỏi bể thận, đài thận, niệu quản...Vi Khuẩn đứng hàng đầu là E. Coli 40-70%, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn...
Bệnh thường có liên hệ với thận và bàng quang. Thận hư, bàng quang có thấp nhiệt là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh. Đa số do ăn các thức ăn cay, nóng, nhiều chất béo hoặc uống rượu nhiều quá, sinh ra nhiệt, dồn xuống hạ tiêu gây nên bệnh. Hoặc do bộ phận sinh dục bị rối loạn, uế trọc xâm nhập vào bàng quang, gây nên thấp nhiệt, thấp nhiệt làm cho khí hóa bị ngăn trở, đường tiểu không thông lợi khiến cho tiểu buốt, tiểu nhiều, đau, tiểu ra máu.
Hai bài thuốc trị bệnh có kết quả tốt
Căn cứ vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh để có cách trị cụ thể. Khi bị viêm bể thận cấp, người bệnh thường có triệu chứng: nhiễm khuẩn khu trú vào vùng Thận (Sốt, có thể cao đến 39-40oC, có khi có cơn rét run; Đau vùng thận một bên hoặc cả hai bên); Tiểu đục, tiểu gắt (50% trường hợp); Tiểu ra protein: 80-90% (trường hợp tiểu ra protein nhẹ thì từ 40-50mg% đến 150-300mg%, ít khi quá 300mg% (tức 3g/lít nước tiểu), thường dưới 5g/24 giờ.
Trong trường hợp cấp tính mức protein thường trên dưới 300mg%); Tiểu ra bạch cầu: là dấu hiệu phổ biến nhất trong trường hợp cấp tính ; Tiểu ra hồng cầu (máu), ít phổ biến hơn. Điều trị bệnh này theo Đông y là phải thanh nhiệt, trừ thấp, lợi niệu, thông lâm. Các bài thuốc trị bệnh đã được các chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu chứng minh có tác dụng tốt như sau.
Bài "Thận vu thanh giải Thang" bao gồm: Hoàng bá 15g, phục linh 15g, bạch đầu ông 30g, mộc thông 15g, hoàng liên 10g, liên kiều 30g, biển súc 15g, cam thảo 10g, hoạt thạch đều 30g, cù mạch 15g. sắc uống, điều trị 14-90 ngày. Kết quả nghiên cứu điều trị trên 67 ca, nam 12, nữ 55, tuổi từ 12 đến 67. Bệnh có biểu hiện cấp tính 45 ca, mạn tính 22. Kết quả, khỏi hoàn toàn 21 (cấp tính 16, mạn tính 5). Có hiệu quả 24 (cấp 19, mạn 5). Có chuyển biến 18 (cấp 9, mạn 9). Không hiệu quả 4 (cấp 1, mạn 3). Đạt tỉ lệ 94%.
Bài « Chính Ô Linh Thang » bao gồm: Xa tiền tử 18g, ô dược 10g, thổ phục linh 30g, hoạt thạch 18g, sơn chi (sao 10g), cù mạch 20g, mộc thông 12g, đại hoàng sống 10g, biển súc 18g, đăng tâm thảo 5g. Sắc uống cứ 6 giờ uống một lần.
Tác dụng: Thanh lợi thấp nhiệt, trị bí tiểu cấp tính do viêm nhiễm. Bài thuốc đã được ứng dụng nghiên cứu trị 60 ca, nam 24, nữ 36, tuổi từ 6 đến 64. Bệnh nhân đều có dấu hiệu sợ lạnh, sốt 38-39,5oC, lưng đau, bụng dưới trướng đau, tiểu nhiều, đường tiểu sưng, đau, rát hoặc tiểu ra máu hoặc tiểu ra sỏi, vùng thận đau. Xét nghiệm nước tiểu có albumin, bạch cầu, hồng cầu.
Sau khi uống thuốc, khỏi 45 ca, có chuyển biến 12, không kết quả 3. Đạt tỷ lệ 95%. Thuốc uống ít nhất 5 ngày, nhiều nhất 45 ngày. Trương hợp mạn tính, phải uống trên 10-15 ngày mới thấy có kết quả.
LY. Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông Y Hải Phòng)