Phổi nằm trong lồng ngực, có tính chất đàn hồi, xốp và mềm, là một bộ phận quan trọng với chức năng chủ yếu là trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường. Phổi đưa oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi, và dioxit carbon từ động mạch phổi ra ngoài. Ngoài ra, phổi cũng có một số khả năng thứ yếu khác, giúp chuyển hóa một vài chất sinh hóa, lọc một số độc tố trong máu. Phổi cũng là một nơi để lưu trữ máu. Vì vậy, hãy tăng tập luyện giúp cho phổi khỏe.
Thải độc khí trong phổi: Ngồi khoanh chân trên sàn, nội tâm yên tĩnh, hơi thở tự nhiên. Hai bàn tay chống xuống sàn, hít vào hơi gồng mình, co mình, khom lưng, thở ra thả lỏng toàn thân và trở về tư thế ban đầu. Thực hiện 10 – 15 lần.
Làm mạnh phổi: Ngồi thẳng, 2 chân duỗi thẳng song song về phía trước, 2 tay nắm lại để bên hông, chuẩn bị thực hiện động tác bơi cạn và xay lúa. Bơi cạn: Khi thở ra nhoài người và 2 tay chắp lại lao về phía trước, hít vào 2 bàn tay quạt nước sang 2 bên vai, thực hiện nhiều lần. Xay lúa: Thở ra nhoài người về phía trước và 2 bàn tay xoay tròn theo chiều kim đồng hồ theo mặt phẳng ngang, hít vào thu về trước bụng. Làm tiếp theo ngược chiều kim đồng hồ, thực hiện nhiều lần.
Giãn phổi và phế nang: Người tập đứng thẳng, 2 chân bằng vai, 2 tay bắt chéo trước ngực. Khi hít vào, hai bàn tay đẩy lên như đẩy trời để mở rộng lồng ngực, làm như vậy sẽ hít được nhiều khí. Khi thở ra thì 2 tay, toàn thân thả lỏng, 2 tay thu về giữa ngực. Hít tiếp hơi thở thứ 2, hai bàn tay đẩy sang 2 bên vai như đẩy 2 trái núi ra xa. Hơi thở này sẽ mở rộng đáy phổi và hệ thống phế nang để khí vào sâu hơn và lan tỏa khắp hệ thống phổi. Khi thở ra, gập người vuông góc với chân để thải hết trọc khí ra. Thực hiện 2 hơi thở 6 lần.
BS.VS Nguyễn Văn Thắng
(Chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long)