Người ta gọi anh là “Bác sĩ nghìn like” bởi mỗi bài viết chăm sóc sức khỏe của anh trên facebook cá nhân thường nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận, chia sẻ… “Bác sĩ nghìn like” Trần Quốc Khánh đã có cuộc trò chuyện với KH&ĐS về hội chứng “cổ tin nhắn” - căn bệnh đang âm thầm làm tổn thương cột sống cổ của nhiều người.
BS Trần Quốc Khánh hiện công tác tại Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Anh là một trong những bác sĩ trẻ luôn đau đáu tìm kiếm các “giải pháp” nhằm hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Với phương châm “Sống là để cho đi”, năm 2017, BS Trần Quốc Khánh thành lập “Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo” như một cầu nối giúp con người tìm đến với nhau vì có chung một trái tim ấm áp và tâm hồn hướng thiện. Nhờ quỹ, hàng trăm bệnh nhân nghèo đã được cứu giúp. Không chỉ thường xuyên chia sẻ trên trang facebook (FB) cá nhân, BS Trần Quốc Khánh còn mở riêng một kênh youtube tư vấn cho người dân các vấn đề về sức khỏe.
Với sự gần gũi, vui tính, nhiệt tình và có tâm, FB cá nhân của BS Trần Quốc Khánh đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Thông qua đó, BS Trần Quốc Khánh đã truyền thông giúp nhiều người dân thêm hiểu biết, phòng tránh bệnh tật và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Chào “bác sĩ nghìn like”! Điều gì khiến bác sĩ dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian cho truyền thông chăm sóc sức khỏe cộng đồng?
Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng nhiều người vẫn đến viện ở giai đoạn muộn. Ở các nước tiên tiến người dân thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động xây dựng thói quen ăn uống và thể dục thể thao tốt. Đó là y học dự phòng, là thói quen cần xây dựng cho người dân mình. Vì vậy, dù bận rộn, tôi vẫn cố gắng dành thời gian với mong muốn làm một việc hữu ích cho mọi người.
Từ y học dự phòng nói trên, theo bác sĩ thì hiện căn bệnh xã hội nào cần phải cảnh báo đến người dân?
Ở thời đại công nghệ số, hầu hết mọi người ai cũng cúi đầu để gắn mình với chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính văn phòng. Và chính điều đó đang gây nên một tình trạng bệnh lý hoàn toàn mới ở thời đại 4.0, đó chính là hội chứng “cổ tin nhắn - Text Neck”.
Đúng là một căn bệnh đang phổ biến! Bệnh này có nghiêm trọng không bác sĩ?
Mọi người đều biết, đầu chúng ta nặng khoảng 10kg và được cột sống cổ nâng đỡ, tuy nhiên khi chúng ta cúi đầu cong về phía trước thì áp lực từ trọng lượng của đầu sẽ đè nặng lên các đĩa đệm cột sống cổ với nguyên tắc càng cúi gập đầu thì áp lực lên các đơn vị cột sống cổ càng tăng. Khi tình trạng này kéo dài sẽ là tiền đề để hệ thống các dây chằng, đĩa đệm, đốt sống cổ bị tổn thương mạn tính và nhiều trong số đó thậm chí cần phải phẫu thuật để tái dựng lại cấu trúc cột sống cổ cũng như dự phòng nguy cơ bị liệt.
Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại cao nhất khu vực và tính đến cuối năm 2019, Việt Nam lọt top 15 thị trường có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. E là nếu không có cảnh báo kịp thời, Text Neck sẽ sớm là một căn bệnh phổ biến!
Theo các nghiên cứu gần đây, hầu hết người lớn chúng ta dành ít nhất 3 tiếng mỗi ngày để sử dụng điện thoại hoặc thiết bị thông minh, thậm chí tại một số quốc gia, con số này còn tăng lên 4 - 5 tiếng. Chính tình trạng này kéo dài đã làm cho cột sống cổ quá tải do thường xuyên bị đầu chúng ta “đè ép” xuống.
Người ta ước tính khi cúi đầu ra trước tầm 1 inch (tương đương 2.54cm) thì áp lực lên các đĩa đệm cột sống cổ sẽ tăng gấp đôi. Thậm chí khi đầu chúng ta cúi gập 60 độ về phía trước thì áp lực dồn lên đĩa đệm tầm 60 pound ( ~ 27kg), tương đương chúng ta đang cõng một cháu bé 8 tuổi trên cổ.
Ồ, ít ai nghĩ chỉ cúi đầu nhìn điện thoại lại tương đương với cõng một cháu bé 8 tuổi. Nghe thực sự là nguy hiểm phải không bác sĩ?
Hội chứng này thực sự nguy hiểm vì hai lý do. Thứ nhất đó chính là việc hầu hết ai trong chúng ta cũng bị vướng vào căn bệnh này ở một mức độ nào đó khi thời đại công nghệ đang là xu thế, thậm chí một số bác sĩ gọi hội chứng này là bệnh dịch. Tần suất mắc nhiều như vậy nhưng lo lắng hơn nữa khi hiện nay rất nhiều người chưa biết đến căn bệnh này để tìm cách khắc phục.
Thứ hai đó chính là khi để hội chứng kéo dài sẽ làm tổn thương các đĩa đệm cột sống cổ, chèn ép các rễ và tuỷ thần kinh dẫn đến người bệnh đau đớn, giảm khả năng tập trung, đối diện nguy cơ liệt nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Vậy làm thế nào để phát hiện mình đang bị hội chứng “cổ tin nhắn” và cần đến gặp bác sĩ?
Chúng ta nên đến gặp các bác sĩ chuyên về cột sống để được thăm khám và tư vấn khi có những dấu hiệu như tê bì hai tay, tê bì tứ chi hoặc cơn đau cứng cổ kéo dài trên 2 tuần.
Đấy là khi bệnh đã phát triệu chứng. Còn để phòng ngừa thì bác sĩ có lời khuyên nào cho mọi người khi xu hướng sử dụng các thiết bị thông minh ngày càng phổ biến?
Mọi bệnh lý đều có thể hạn chế nếu có những giải pháp dự phòng từ sớm, đó mới là cách rẻ nhất giúp chúng ta giải quyết căn bệnh. Với hội chứng “cổ tin nhắn”, nên nằm ngủ kê gối thấp dưới 6cm. Tuyệt đối không hút thuốc lá, vì thuốc là không chỉ phá hủy hệ thống hô hấp mà còn âm thầm làm tổn thương hệ thống xương khớp của chúng ta. Hạn chế thời lượng sử dụng các thiết bị thông minh cầm tay khi không cần thiết. Và nếu có sử dụng thì nên để các thiết bị xa tầm mắt cũng như để cao gần ngang tầm mắt để giảm thiểu việc cổ chúng ta bị cúi gập ra trước xuống dưới.
Với máy tính tại phòng làm việc, nên kê cao (hoặc hạ ghế ngồi xuống) để làm sao màn hình cao ngang tầm mắt giúp giảm thiểu tình trạng cổ cúi. Cứ mỗi sau 60 phút, nên rời ghế ngồi trong văn phòng để ra thực hiện một số động tác tập thể dục cho cổ vai gáy cũng như vận động toàn thân.
Xây dựng cho mình thói quen thể dục thể thao mỗi ngày. Ngoài những môn yêu thích, tôi khuyên mọi người nên ưu tiên những môn vận động như đạp xe, bơi, yoga, thiền, gym, bài tập với bóng cao su tại nhà...
Xin cảm ơn bác sĩ!