Bác sĩ chỉ rõ loại thực phẩm gây loãng xương, xương khớp yếu

Biến chứng của loãng xương, xương khớp yếu không chỉ khiến người bệnh có thể tàn phế vĩnh viễn mà còn mắc các bệnh đe dọa tính mạng. Vì vậy, Nếu không muốn bị loãng xương, xương khớp yếu hãy biết cách phòng tránh.

Biến chứng của loãng xương

Loãng xương, xương khớp yếu là một trong những bệnh lý thường gặp khi tuổi càng cao. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Gãy xương: Tình trạng loãng xương làm suy giảm mật độ xương, khiến xương yếu, giòn, dễ gãy. Một số trường hợp chỉ cần một sự va chạm nhẹ, cúi gập người hoặc ho, hắt hơi cũng có khả năng làm gãy xương.

Vì xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay, xương cẳng chân là các xương chịu lực tác động nhiều nhất cơ thể. Vì thế, khi bị loãng xương, đây là các xương thường bị ảnh hưởng nhất. Gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng tay, gãy khớp háng là tình trạng thường gặp ở người bệnh loãng xương cao tuổi.

Lún xẹp đốt sống: Tình trạng lún xẹp đốt sống do loãng xương có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. Ngoài ra, biến chứng này có thể khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức kéo dài. Số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều có thể khiến tình trạng thoái hóa cột sống diễn tiến nhanh hơn.

Suy giảm khả năng vận động: Người bị loãng xương có thể bị tàn phế vĩnh viễn. Tình trạng này làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Người bệnh thường phải nằm bất động một chỗ trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử, tắc mạch chi…

Loãng xương, xương khớp yếu gây nhiều biến chứng

Loãng xương, xương khớp yếu gây nhiều biến chứng

Để tránh bị loãng xương, xương khớp yếu nên tránh ngay các loại thực phẩm sau:

Thực phẩm có hàm lượng natri cao gây loãng xương

Hàm lượng natri cao trong thực phẩm có thể làm giảm hấp thu canxi và các khoáng chất khác của cơ thể… làm cho xương yếu đi.

Bạn càng tiêu thụ nhiều muối, bạn càng mất nhiều canxi. Do đó, ăn nhiều đồ mặn khiến chúng ta dễ mắc bệnh loãng xương hơn.

Cách tốt nhất là cắt giảm trực tiếp lượng muối ăn hàng ngày và hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (các thực phẩm này chứa nhiều muối).

Thực phẩm nhiều đường

Một loại thực phẩm khác có thể được gọi là 'thuốc độc' cho sức khỏe xương của chúng ta là đường.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều đường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương và có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Hơn nữa tiêu thụ đồ uống nhiều đường còn khiến cơ thể nhanh tăng cân và béo phì.... làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp.

Khi mọi người tiêu thụ quá nhiều đường, cơ thể không thể hấp thụ tất cả các chất dinh dưỡng tốt cần thiết cho sức khỏe của xương.

Caffein

Caffeine có trong cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực... Caffeine cũng được cho là ảnh hưởng đến xương thông qua rối loạn chuyển hóa canxi, thay đổi phản ứng vitamin D và các cơ chế khác.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Rối loạn cơ xương BMC, tiêu thụ quá nhiều caffein có thể dẫn đến mật độ xương thấp và xương yếu ở phụ nữ vừa trải qua thời kỳ mãn kinh.

Rượu bia

Uống quá nhiều rượu cũng dẫn đến sức khỏe của xương yếu. Rượu có thể coi là rào cản canxi, nó ngăn không cho cơ thể hấp thụ các chất khoáng hỗ trợ cho xây dựng xương từ nguồn thực phẩm mà chúng ta ăn vào.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ khỏe mạnh và trong độ tuổi từ 19 đến 30 được báo cáo là có xương yếu do uống rượu.

Cách phòng tránh loãng xương

Để làm chậm và phòng ngừa loãng xương, ngoài việc xác định nguyên nhân thứ phát gây loãng xương, cần lưu ý:

- Bổ sung đủ canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, tham khảo bác sĩ để được tư vấn các loại viên uống bổ sung phù hợp.

- Người trong nhóm đối tượng nguy cơ nên được đo loãng xương để kiểm tra và sớm phát hiện ra dấu hiệu loãng xương.

- Thường xuyên tập thể dục với cường độ phù hợp để xây dựng một hệ xương chắc khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, đặc biệt là với người lớn tuổi.

- Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích để tránh gây hại đến xương khớp.

- Khi xuất hiện các vấn đề cơ xương khớp (đau xương khớp, đau cơ bắp, chuột rút thường xuyên…), bạn nên đi đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

- Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid. Lạm dụng các thuốc này có thể làm tình trạng loãng xương thêm trầm trọng, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

- Thận trọng khi sinh hoạt và làm việc, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.

ThS.BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội)

Theo Đời sống
back to top