Bác sĩ chỉ rõ đối tượng cần tầm soát ung thư phổi: Đừng để quá muộn

56% bệnh nhân ung thư phổi trên thế giới được chẩn đoán ở giai đoạn IV. Tỷ lệ sống còn 5 năm ước tính sau chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ 6.3%. Vì vậy, cần nhận biết để phát hiện sớm.

Ung thư phổi thường không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển hoặc di căn xa, lúc này việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Tại sao phải tầm soát ung thư phổi?

- 56% bệnh nhân ung thư phổi trên thế giới được chẩn đoán ở giai đoạn IV – khi bệnh đã di căn.

- 26.262 ca mắc mới và 23.797 bệnh nhân tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam trong năm 2020.

- Tỷ lệ sống còn 5 năm ước tính sau chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ 6.3%.

- Một số trường hợp ung thư phổi có thể điều trị hiệu quả nhờ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn.

Hút thuốc lá gây ung thư phổi

Hút thuốc lá gây ung thư phổi

Ai nên tầm soát ung thư phổi?

Theo khuyến cáo mới của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) năm 2022, những người có nguy cơ ung thư phổi như các tiêu chí dưới đây nên tầm soát ung thư phổi hàng năm:

- Tuổi từ 55 – 77 tuổi, hút thuốc lá ≥ 30 bao-năm(*), đang hút thuốc hoặc đã cai thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây.

- Tuổi ≥ 50 tuổi, hút thuốc lá ≥ 20 bao – năm, có các yếu tố nguy cơ khác(**).

Trong đó:

(*) Cách tính chỉ số bao – năm (Pack – year): Chỉ số bao năm = (số gói thuốc hút trong MỘT ngày) x (số năm đã hút thuốc). Trong đó: 1 gói thuốc = 20 điếu.

Ví dụ: Bạn hút thuốc 2 gói/ngày, trong vòng 10 năm, nghĩa là bạn đã hút 2x10 = 20 gói-năm.

(**) Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

+ Hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc lá từ người khác nhả ra trong thời gian dài).

+ Tác nhân gây ung thư trong môi trường làm việc (Asen, Amiang, Niken, Silica…).

+ Phơi nhiễm với Radon.

+ Tiền sử gia đình có người mắc ung thư phổi.

+ Tiền sử mắc các bệnh lý phổi mạn tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, xơ phổi…

+ Tiền sử mắc ung thư khác: U lympho, ung thư bàng quang, đầu cổ…

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đối tượng tầm soát ung thư phổi ở độ tuổi 50-80 tuổi, hút thuốc 20 bao/năm trở lên (đang hút thuốc hoặc bỏ thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây).

Từ năm 2018, Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo việc tầm soát sớm bệnh ung thư phổi cho đối tượng có nguy cơ cao (lớn tuổi, tiền sử hút thuốc hơn 30 bao năm) bằng cách chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc năng lượng thấp (liều 1.5 mSv) để phát hiện sớm các tổn thương nhỏ ở phổi.

Tầm soát ung thư phổi như thế nào?

- Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT – Low-Dose Computed Tomography) giúp phát hiện bệnh giai đoạn sớm ở người có nguy cơ cao.

- Người cần tầm soát sẽ được nằm trên bàn trong phòng chụp CT và được máy CT sử dụng chùm tia X với liều thấp chụp các hình ảnh của phổi theo nhiều hướng khác nhau, qua đó có thể phát hiện sớm tổn thương. Quá trình chụp chỉ mất vài phút.

- Không phải ai tầm soát cũng đều mắc ung thư. Nếu có hình ảnh bất thường trên chụp cắt lớp vi tính liều thấp, bác sĩ sẽ cho làm thêm các kiểm tra thăm dò cần thiết để có kết quả chính xác.

- Khi được phát hiện và chẩn đoán sớm, bệnh nhân sẽ có cơ hội điều trị sớm và tối ưu hơn để gia tăng thời gian sống còn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phát hiện sớm để tăng cơ hội điều trị thành công so với chẩn đoán khi tổn thương đã di căn. Nếu bạn hoặc người thân có các yếu tố nguy cơ ung thư phổi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, khám và tầm soát kịp thời.

Dự phòng ung thư phổi: Biện pháp hiệu quả nhất là phòng chống tác hại của thuốc lá.

BSNT.BSCK1 Phạm Đình Phúc, (Khoa Ung thư Tổng hợp, Viện Ung thư, Bệnh viện TƯQĐ 108)

Theo Đời sống
Mách nhỏ 6 cách chữa ù tai tại nhà hiệu quả

Mách nhỏ 6 cách chữa ù tai tại nhà hiệu quả

Ù tai có thể do yếu tố tuổi tác, hoặc các vấn đề liên quan đến hệ tuần hoàn. Nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất của người mắc. Dưới đây là những mẹo chữa ù tai nhanh chóng
back to top