Căng thẳng nhiệt
ThS.BS Trần Tấn Đạt, chuyên khoa Tim mạch- Lão khoa, Bệnh viện Quốc tế Minh Anh cho biết, căng thẳng do nhiệt hay sốc nhiệt (Heat-stress) là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với nhóm người cao niên. Cần theo dõi các triệu chứng như lú lẫn hoặc thay đổi trạng thái tinh thần khi ra ngoài vào những ngày hè nắng nóng.
Ví dụ, đang đi từ ngoài nắng về nếu tắm ngay hoặc đột ngột đang từ phòng điều hòa hay ô tô kín bước ra ngoài khi trời nắng gắt…
Lý do, chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường khiến con người khó thích nghi. Nhẹ có thể gây hoa mắt, chóng mặt tạm thời hoặc gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi. Nếu nặng có thể bị viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh lý đường hô hấp khác và làm cho các bệnh lý hiện có trở nên nặng hơn.
Căng thẳng nhiệt có thể hiểu đơn giản khi cơ thể không thể thoát nhiệt dư thừa. Nếu điều này xảy ra, nhiệt độ lõi và nhịp tim cơ thể tăng lên. Khi cơ thể tiếp tục tích trữ nhiệt, người đó bắt đầu mất tập trung và khó tập trung, cáu kỉnh hoặc suy yếu và thường mất cảm giác muốn uống.
Giai đoạn tiếp theo thường là ngất, thậm chí tử vong nếu không được hạ nhiệt, bệnh thường gặp ở nhóm người cao niên, có sẵn bệnh, sức đề kháng cơ thể kém.
Bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp cũng là bệnh lý đáng thường gặp ở nhóm người cao niên, nhất là khi thời tiết thay đổi, nóng lạnh đột ngột. Ví dụ như tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ thấp quá hoặc đang nóng đi vào phòng máy lạnh, tắm nước lạnh ngay, hoặc uống bia lạnh, nước đá, đi nắng về tắm ngay...
Dấu hiệu tăng huyết áp đột ngột ở người già thường thấy là hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim, nếu nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ. Theo khuyến cáo, người có sẵn bệnh tăng huyết áp không được tắm nước lạnh đột ngột khi vừa đi ngoài nắng về, nằm phòng điều hòa quá lạnh, có thể gây ra các biến chứng nan y nguy hiểm.
Ngộ độc thực phẩm
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cảnh báo, nắng nóng, nhiệt độ môi trường phù hợp cho các vi sinh vật gây hại dễ dàng phát triển trong thức ăn thường ngày. Nếu không bảo quản đúng cách, người sử dụng rất dễ bị ngộ độc tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, nôn ói, suy kiệt do mất nước,… nhiều trường hợp còn có thể tử vong.
Vì thế người dân nên ăn chín, uống sôi, bảo quản các thực phẩm dễ ôi thiu trong tủ lạnh và sử dụng ngay sau khi chế biến, không để thực phẩm quá lâu ngoài môi trường nhiệt độ thường.
Các bệnh truyền nhiễm
Thời tiết nắng nóng thường kèm theo mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, … phát triển.
Để phòng tránh người dân nên dọn dẹp, phát quang bụi rậm, xử lý các vùng nước đọng hoặc nơi chứa nước phải đảm bảo không để cho lăng quăng phát triển. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tập thể dục vừa phải, ngủ đủ giấc giữ sức đề kháng tốt cho cơ thể để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Các bệnh về hô hấp
Việc thay đổi đột ngột từ môi trường sử dụng điều hòa mát lạnh sang môi trường nóng bên ngoài hoặc ở trong môi trường máy lạnh quá lâu khiến các niêm mạc đường hô hấp bị khô dễ gây nên các bệnh lý cho đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản cấp và nặng hơn có thể gây viêm phổi,…
Để phòng tránh các bệnh trên chúng ta cần duy trì nhiệt độ máy lạnh trong phòng chênh lệch ít so với môi trường, đồng thời hạn chế di chuyển từ trong phòng lạnh ra trời nóng quá nhiều trong ngày. Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp hay sử dụng quạt hướng thẳng vào người. Bổ sung nước đầy đủ trong ngày luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp.
Bệnh về da
Việc tiếp xúc nhiều với nắng nóng có thể gây nên sạm da, bỏng nắng, gây lão hóa da sớm và thậm chí có thể gây ung thư da. Đồng thời, mùa nóng cũng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi dễ gây nên các bệnh về da như rôm sảy, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng,…
Người dân khi ra đường cần sử dụng kem chống nắng, uống đủ nước, che chắn bằng các phụ kiện tối màu để tránh các bệnh lý về da.
Bệnh tim mạch
Nắng nóng gay gắt thường không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước, có thể gây ra tình trạng thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ. Đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Những người có bệnh tim phải sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết, hạn chế vận động khi trời nóng, mang mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ và nên uống nhiều nước. Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với người bị chứng co thắt mạch.
Để phòng bệnh mùa nắng nóng, giới chuyên gia khuyến cáo, người già cần phải uống đủ nước, từ 1,5 lít nước/ngày trở lên, yếu đều thời gian trong ngày, không nên chờ khi khát mới uống. Rất đa dạng như nước tinh khiết, hoa quả, nước rau luộc trong bữa ăn… Tránh xa đồ uống có gas, có cồn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng.
Người già, trẻ nhỏ cần tránh ra ngoài trời nắng trong giờ “cao điểm” từ 10h đến 16h. Nếu nằm phòng điều hòa nên duy trì nhiệt độ từ 25 đến 27oC. Mức nhiệt độ dùng không chênh lệch quá 7o C so với nhiệt độ ngoài trời. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi...
Về dùng thuốc, cần được khám, điều trị theo phác đồ bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Không ăn đồ quá nóng, quá lạnh, khó tiêu, tránh dùng thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, tránh thức ăn tái sống, như tiết canh, nem chạo, rau sống cần rửa sạch...
Về trang phục nên mặc quần áo thoáng mát, và khi ra ngoài trời nắng cần mang quần áo, mũ, khẩu trang... che nắng bảo vệ cơ thể hợp lý và đầy đủ.
Nên duy trì cuộc sống vận động, tránh xa cuộc sống tĩnh tại, nằm nhiều, ngồi nhiều. Áp dụng các bài tập thể dục vào sáng sớm, chiều muộn hoặc đi bộ tùy theo tình trạng sức khỏe bản thân. Tránh luyện tập vào thời điểm trời còn nắng nóng. Nên duy trì cuộc sống “vì mình, yêu bản thân”, không nên suy nghĩ nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.