Nghiên cứu mang tính quốc tế của Đại học Exeter chỉ ra những người thường xuyên tiếp xúc ánh sáng xanh từ màn hình của các thiết bị di động, đèn Led có gấp đôi nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và gấp 1,5 lần nguy cơ ung thư vú.
Nguyên nhân là do ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử đã phá vỡ đồng hồ sinh học của chúng ta.
Tiến sĩ Alejandro Sánchez de Miguel, một đồng tác giả của nghiên cứu từ Đại học Exeter, nói: “Con người cần ánh sáng vào ban ngày và bóng tối vào ban đêm. Khi các thị trấn và thành phố thay thế các thiết bị phát sáng, tất cả chúng ta đều tiếp xúc với các mức ánh sáng ‘xanh’ cao hơn, điều này có thể làm gián đoạn đồng hồ sinh học của chúng ta”.
Ánh sáng xanh được cho là có bước sóng ngắn nhất, sẽ cắt giảm khả năng sản xuất melatonin của cơ thể. Đây là chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển đồng hồ sinh học.
Đồng thời, điều này cũng có thể làm gián đoạn việc sản xuất các hormone khác, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú – 2 loại ung thư đều liên quan đến hormone.
Trước nghiên cứu của Đại học Exeter, đã có nhiều nghiên cứu khác đề cập đến tác hại của ánh sáng nhân tạo vào ban đêm.
Tiến sĩ Manolis Kogevinas, điều phối viên của Viện nghiên cứu toàn cầu Barcelona, cho biết: “Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại công việc ca đêm là có thể gây ung thư cho con người”.
“Có bằng chứng chỉ ra mối liên quan giữa phơi nhiễm với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, sự gián đoạn nhịp sinh học, và ung thư vú, cũng như ung thư tuyến tiền liệt” – Tiến sĩ Manolis cho hay.
Các chuyên gia nói rằng mọi người nên tránh ánh sáng từ 1 – 2 giờ trước khi đi ngủ và sử dụng công tắc làm mờ. Khi ngủ, nếu có thể nên tắt đèn, ngủ trong phòng tối.
Ngoài ra, các thiết bị như smartphone, máy tính bảng, máy đọc sách Kindle… đều nên hạn chế sử dụng vào buổi tối.
Theo Phương Phương/GIADINHMOI.VN