Ăn uống, sinh hoạt như thế nào để tăng cân?

Bệnh tật làm kém ăn hoặc vẫn ăn được như mọi người nhưng giảm tiêu hóa hấp thụ thì không thể tăng cân được. Vì vậy, cần kiểm tra xem bệnh tiềm ẩn không.

Tôi năm nay 26 tuổi cao 1m60 nặng có 41kg, người rất gầy. Xin hỏi bác sĩ xem có chế độ ăn uống thế nào để có thể tăng cân không? Tôi đã đi khám bệnh và chụp chiếu nhưng bệnh viện kết luận không có bệnh gì hết. Sau đó tôi đi khám Đông y thì được chẩn đoán bị đại tràng, mua thuốc uống nhưng kết quả không tiến triển gì cả.

Gần đây tôi có áp dụng chế độ đi ngủ sớm, ăn nhiều sữa, thịt và hoa quả, tập thể dục nhưng chỉ tăng được có 1 kg. Rất mong được lời khuyên của bác sĩ để cải thiện tình trạng hiện tại của tôi.

boynetvn@yahoo.com (Hà Nội)

PGS, TS Nguyễn Thị Hồng Vân, nguyên Phó trưởng Khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai:

Đúng là cao 1m60 mà nặng có 41 kg là rất gầy, cơ thể không cân đối vì vậy bạn mong muốn tăng cân là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cơ thể gầy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: Yếu tố gia đình, do di truyền, thường gọi là tạng người thì khó thay đổi được; Do chế độ ăn uống; Do bệnh lý: chán ăn, không hấp thụ thức ăn vì bệnh của dạ dày, đại tràng, do chế độ làm việc căng thẳng, tinh thần suy  nghĩ… Để khắc phục phải tìm được nguyên nhân cụ thể thì điều trị mới có hiệu quả được.

Trước hết, bạn nên đi kiểm tra xem có tiềm ẩn bệnh gì không. Bệnh tật làm kém ăn hoặc vẫn ăn được như mọi người nhưng giảm tiêu hóa hấp thụ thì không thể béo được. Cũng nên xét nghiệm phân xem có nhiều trứng giun sán không, nếu có phải dùng thuốc tẩy giun. Nếu không có bệnh gì mạn tính, không có giun sán, mới nói đến việc ăn như thế nào để béo lên.

Về chế độ ăn uống, cần phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn cần tăng thêm các chất cung cấp năng lượng: chất đường – bột (gluxit), chất béo (lipit), chất đạm (protein). Thêm trứng, thịt, cá, dầu mỡ bơ, đường… vào bữa ăn. Tăng số bữa ăn trong ngày: ngoài 3 bữa ăn chính cần ăn thêm 2-3 bữa phụ giàu năng lượng như sữa béo, lạc rang, khoai rán, chè, bánh ngọt… Bữa ăn chiều và tối không ăn quá no, nhưng cần ăn chắc dạ và đủ chất béo vì khi ngủ, năng lượng do thức ăn cung cấp không bị tiêu hao nhiều như ban ngày, số năng lượng dư có dịp chuyển thành mỡ bồi đắp cho cơ thể.

Để ăn ngon miệng cần chú ý tới kỹ thuật chế biến món ăn, và thường xuyên thay đổi món ăn để kích thích khẩu vị, ăn được nhiều. Cần ăn chậm, nhai kỹ, tạo không khí vui vẻ, thảnh thơi thoải mái trong lúc ăn, các dịch tiêu hóa tiết ra nhiều giúp tiêu hóa, hấp thụ tốt.

Nên tạo thói quen tập thể dục buổi sáng. Nếu có điều kiện thì nên chơi một số môn thể thao vừa sức như cầu lông, bơi lội, bóng chuyền… Việc tập luyện sẽ giúp tạo cơ bắp nở nang, đồng thời còn tạo nên một nếp sống hài hòa giúp ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc. Không nên thức khuya, tốt nhất là nên đi ngủ sớm trước 22 giờ. Thời gian ngủ tổng cộng (cả tối và ngủ trưa) phải từ 8 tiếng trở lên.

Cần sắp xếp công việc, học tập cho khoa học, cân đối thời gian làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Khi đã tăng 3-4 kg trọng lượng, bạn vẫn cần kiên trì bền bỉ thực hiện tiếp thành một thói quen tốt trong nếp sống để trọng lượng cơ thể cứ tăng dần lên và giữ mức ổn định. Nếu bạn thực hiện tốt những điều hướng dẫn nói trên chắc chắn sẽ tăng cân.

Đức Vinh ghi

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top