Ăn nhiều rong biển khó thụ thai

Theo các chuyên gia đã có nhiều người bị rối loạn tiêu hóa, dị ứng, cường tuyến giáp… do ăn rong biển. Phụ nữ có thai và cho con bú cần sử dụng rong biển hợp lý.

Cấp cứu vì ăn nhiều rong biển

Chị Nguyễn Ngọc Bình 35 tuổi ở khu tập thể Hồ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã có một con trai, muốn sinh thêm một bé nữa mà mãi không có bầu.

Có người mách ăn rong biển nhiều tốt cho thụ thai nên chị đã mua rong biển khô về chế biến nấu canh, súp, nộm, xào… bữa nào cũng có một món rong biển. Tuần đầu tiên ăn rong biển, chị đi ngoài tiêu chảy nhẹ. Ăn được gần 2 tuần, chị thấy người mệt mỏi, vã mồ hôi, tim đập dồn dập, rối loạn tiêu hóa nặng… chị Bình phải nhập viện điều trị.

Ảnh minh họa.

Các bác sĩ cho biết, chị Bình không chỉ rối loạn tiêu hóa mà còn mắc hội chứng cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) do ăn quá nhiều rong biển.

Theo các bác sĩ, hội chứng cường giáp không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn khiến phụ nữ khó thụ thai hơn. Chị Bình cho biết, con trai chị 7 tuổi, ăn rong biển theo mẹ cũng bị dị ứng mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Rất may chị đã cho cháu dừng ăn ngay nên không vấn đề gì.

Nói về trường hợp của chị Bình, BS Vũ Thị Minh Duyên, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đối với phụ nữ mang thai, sản phụ đang cho con bú và trẻ nhỏ sử dụng rong biển cần hết sức lưu ý.

Theo khuyến nghị dinh dưỡng, trẻ nhỏ từ 1- 8 tuổi chỉ nên tiêu thụ 0.09mg I-ốt mỗi ngày. Tương tự, hàm lượng I-ốt được hấp thụ mỗi ngày ở phụ nữ mang thai và cho con dao động ở mức 0.22mg – 0.27mg.

Mặt khác, theo nghiên cứu, cứ trong 100g rong biển, chứa 1-1,8mg I-ốt. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, mỗi ngày không nên ăn quá 100g rong biển và phải chia nhỏ thành nhiều bữa, không nên tập trung ăn quá nhiều cùng một lúc. Việc ăn nhiều rong biển dẫn đến thừa I-ốt, dễ bị cường giáp và gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn chuyển hóa.

Chế biến kỹ khi dùng

TS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Lão Khoa cho biết, về mặt dinh dưỡng, trong rong biển khô rất giàu chất bột đường, chất xơ, đạm, sinh tố và chất khoáng cần thiết cho cơ thể.

Phân tích các mẫu rong biển khô, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hàm lượng sinh tố A trong rong biển cao gấp 2-3 lần so với củ cà rốt; hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với sữa bò; vitamin B2 cao gấp 4 lần so với trứng gà…

Alga alkane mannitol có trong rong biển là loại đường có hàm lượng calo thấp, giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi cho ruột, làm cho thức ăn tiêu hoá nhanh và sớm loại bỏ các chất cặn bã lưu lại trong ruột, tốt cho người thường xuyên bị khó tiêu, táo bón.

Hàm lượng canxi trong rong biển cao gấp 3 lần sữa bò.

Rong biển cũng có tính kiềm, có tác dụng giúp cơ thể điều tiết lượng kiềm trong máu, duy trì độ pH ổn định, ngăn ngừa sự bài tiết chất nhờn nên có tác dụng làm đẹp da, xóa nếp nhăn, chống lão hóa.

Trong rong biển cũng có chứa một hàm lượng fertile clement là chất có tác dụng điều tiết máu lưu thông, tiêu độc, loại bỏ các cặn bã có trong cơ thể. Chất này cũng tốt cho tuyến giáp trạng, nơi tiết ra hooc-môn sinh trưởng, giúp cơ thể trẻ phát triển. Với hàm lượng DHA cao, rong tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.

Rong biển cần ngâm nước, dấm, sơ chế kỹ trước khi sử dụng.

Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Nghiêm Nguyệt Thu cũng cho hay, rong biển có tính hàn, giải nhiệt nên không ăn quá nhiều, mỗi bữa chỉ 50-100 mg cho cả gia đình. Một số trường hợp rong biển sẽ gây lạnh bụng, thậm chí là tiêu chảy, nhất là đối với trẻ nhỏ, người có tiền sử dị ứng với rong biển và các loại hải sản khác.

Rong biển cũng độc hại nếu khai thác ở môi trường bị ô nhiễm, chứa nhiều kim loại nặng hoặc quá trình phơi sấy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, khi sơ chế và chế biến rong biển, cần ngâm rửa kỹ nhiều lần, đập bỏ cát sạn, bóp qua dấm trắng. Khi chế biến nên cho thêm lát gừng để tránh lạnh bụng.

Đức Vinh

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
back to top