Tắm biển an toàn ngày nắng nóng

Tắm biển an toàn ngày nắng nóng bằng cách nếu nhận thấy nước biển có màu lạ như xanh đậm, hồng hoặc đỏ thì tuyệt đối không tắm.

Nếu nhận thấy nước biển có màu lạ như xanh đậm, hồng hoặc đỏ thì tuyệt đối không tắm. Nếu trong nước có mùi tanh nồng nghĩa là tảo độc đang phát triển. Động vật hai mảnh chết nhiều là nước đang nhiễm độc…

Tránh xa vùng biển có màu nước lạ

Tắm biển là một việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Đặc biệt là vào ngày hè, nhiều gia đình có nhu cầu cho trẻ nhỏ đi biển. Không phải vùng biển nào cũng có thể tắm được và không phải nước biển ở đâu cũng an toàn cho sức khỏe.

GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Ứng dụng KH&CN vào sản xuất cho biết, khi thấy nước biển có màu xanh thẫm hoặc màu hồng, đỏ thì nhất thiết không xuống tắm vì đó là tảo độc đang nở hoa.

Ngoài ra nếu nghi ngờ thì ngửi mùi nước. Nếu có mùi tanh nồng thì cũng không được tắm biển. Chỉ tắm ở những bãi biển được chính quyền địa phương khuyến cáo, cho phép tắm.

Đối với những người đi du lịch khám phá, khi đến những vùng biển vắng, hoang sơ, phải có kiến thức, kinh nghiệm để phân biệt màu sắc và mùi vị của nước biển.

“Bình thường, tảo sống trong môi trường nước khá “hiền hòa”, nhưng khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi thì chúng bùng phát mạnh mẽ, dữ dội. Do đó, ngay cả ở những vùng biển được quy hoạch bãi tắm, cũng có thể xảy ra hiện tượng tảo độc nở hoa. Do đó, khi đi tắm biển, phát quan sát kỹ.

Trường hợp tắm phải vùng nước có tảo độc thì da sẽ mẩn ngứa, thậm chí hít thở phải tảo độc cũng gây suy hô hấp. Tảo nở hoa và tan đi trong một vài ngày chứ không tồn tại mãi. Nên nếu vùng biển đã từng có tảo độc, nhưng hết rồi, thì hoàn toàn có thể tắm”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Cũng theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, ngoài ra, có những vùng biển bị ô nhiễm do xả thải không phép của các nhà máy, hoặc do người dân không giữ gìn vệ sinh môi trường.

Khi đi biển, nếu quan sát thấy có nhiều động vật hai mảnh như sò, ngao, ngán… bị chết thì phải tránh xa vùng biển này. Đặc biệt đừng tham rẻ mà mua những loại hải sản này, ăn vào rất dễ bị ngộ độc.

Vi khuẩn không sống trong cát biển

Đọc thông tin trên mạng về việc cát biển có thể chứa nhiều loại vi khuẩn nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có cả tụ cầu vàng, giun móc, nấm, giun tròn… chị Hoàng Thanh Hương (Cầu Giấy – Hà Nội) không khỏi lo lắng gửi thắc mắc đến KH&ĐS.

Hè nào chị cũng cho các con đi tắm biển. Các con chị có sở thích nghịch cát, có khi chúng dành cả buổi ngồi xúc cát, nghịch cát. Nếu trong cát biển ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn nguy hại như thế thì có nên cho trẻ chơi nghịch cát thoải mái không?

GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết, trong nước biển, thành phần chính là nước muối NaCl. Đây là môi trường không thích hợp để vi khuẩn sinh sôi, trú ngụ. Các sinh vật muốn tồn tại phải thích ứng được với điều kiện tự nhiên này. Chỉ trong những điều kiện bất bình thường thì một số vi khuẩn cá biệt mới phát triển.

Do đó, ngoại trừ những vùng biển bị ô nhiễm nặng bởi rác thải, tảo độc, xả thải của các nhà máy… thì cát biển mới bẩn. Còn lại, những vùng biển là các bãi tắm được quy hoạch, cho phép người dân tắm thì việc trẻ nghịch cát không có hại gì. Tất nhiên, khi chơi xong, phải tắm lại với nước ngọt để tránh trường hợp da bị nước muối biển ăn mòn, bắt nắng.

Những nghiên cứu cho rằng trong cát biển có giun móc, nấm, tụ cầu vàng… có thể là nghiên cứu của một điểm nào đó cụ thể bị ô nhiễm. Các bãi biển nói chung ở Việt Nam khá đẹp, chỉ cần con người có ý thức bảo vệ để nó sạch thì đây là một tài nguyên du lịch rất lớn. Nhiều vùng biển có hệ vi sinh vật phát triển phong phú, đa dạng thì đồng nghĩa cũng có các bãi cát đẹp, an toàn.

“Để có bãi cát sạch, an toàn cho việc chơi, tắm thì mỗi người hãy tự ý thức không vứt rác ra biển, không xả thải ra biển. Như thế, bãi cát trắng mịn sẽ là sân chơi lý tưởng cho trẻ nhỏ”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Quan sát màu nước, nếu thấy có màu đen, trên cát có các vết gợn đen thì nghĩa là vùng biển bị ô nhiễm dầu, có nguồn xả thải. Không nên ham các vùng biển quá vắng vẻ để đề phòng khả năng nước biển không an toàn để tắm”, GS.TSKH Dương Đức Tiến.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top