Canh rong biển nâu – món ăn giúp thải độc chì ra khỏi cơ thể.
Rất độc hại cho sức khỏe
Các vật dụng có chì, son môi, thực phẩm nhiễm chì… là những nguyên nhân gây tích tụ chì trong cơ thể. Tuy nhiên nhiễm độc chì lại không có biểu hiện rõ rệt vì thế nhiều người không ý thức được về vấn đề thải độc chì.
Theo TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chì không có vai trò về sinh lý với cơ thể và hoàn toàn có hại với sức khỏe.
Bất kỳ một lượng chì nào được tìm thấy trong người đều cho thấy do tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, do tiếp xúc với thực phẩm, nước, thuốc nam và các vật dụng có chứa chì.
Nồng độ chì máu toàn phần bình thường: < 10mcg/dL (ở Mỹ), lý tưởng nhất là 0 mcg/dL. Vào cơ thể với mức nào thì chì cũng có hại cho sức khỏe.
Bởi nếu tích tụ lâu dài, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, gây vô sinh, sẩy thai…
Ở người lớn, mức 250 mcg/lít sẽ gây phá hủy thận, hệ thần kinh… cao hơn có thể hôn mê và tử vong.
Ngoài các biện pháp tránh nhiễm độc chì, người dân cần điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt để thải chì ra khỏi cơ thể. Mỗi khi sử dụng nước để uống hay nấu ăn nên xả bỏ nước khoảng 15 giây đầu tiên sau đó mới tiếp tục lấy nước do lượng nước đọng sẵn trong đường ống có nguy cơ nhiễm chì cao.
Tốt nhất là dùng hệ thống lọc nước loại bỏ kim loại và chì. Không ăn các loại thực phẩm, rau, thủy hải sản sinh trưởng trong môi trường bị ô nhiễm sẽ có nguy cơ nhiễm độc chì.
Hàng ngày nên chọn mua thực phẩm sạch an toàn, dùng các kit thử để phát hiện thực phẩm nhiễm chì. Do không thể nhận biết các loại thực phẩm bị nhiễm chì bằng mắt thường nên cần có một chế độ ăn uống khoa học để đào thải chất độc hại này ra khỏi cơ thể.
Tăng cường thực phẩm thải độc gan
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, người tiêu dùng, đặc biệt là gia đình có con nhỏ nên mua thực phẩm tại các cửa hàng/siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thịt bò, sữa chua, cà rốt, tỏi, bắp cải, mộc nhĩ đen, trà, gừng, rong biển… là những thực phẩm tăng cường chức năng gan, tốt cho việc đào thải chì.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, cà rốt có chứa nhiều pectin, có thể kết hợp với thủy ngân và chì làm tăng tốc độ thải các ion thủy ngân cũng như kim loại chì trong máu. Chất sunphophen có trong bắp cải có tác dụng đặc biệt tốt đối với việc đẩy chì ra khỏi cơ thể.
Mỗi tuần nên ăn từ 3 đến 4 bữa bắp cải để có hiệu quả tốt nhất. Chất keo thực vật có trong mộc nhĩ đen có thể hút thấm hết những tạp chất có trong hệ tiêu hóa, giúp lọc sạch máu, từ đó cũng giúp đẩy thải các kim loại nặng trong máu ra ngoài.
Mỗi tuần nên ăn từ 3 đến 4 bữa bắp cải để thải độc chì.
Vị chuyên gia dinh dưỡng này cũng cho biết, tỏi là thực phẩm được các nhà khoa học tổng hợp axit amin để điều trị ngộ độc chì mức nhẹ đến trung bình.
Rong biển nâu là nguồn cung cấp iot, sắt, ma giê, vitamin B2, vitamin B9, vitamin B12, chất xơ rất giàu dinh dưỡng để tăng cường chức năng gan.
Đặc biệt, canagat biogel chiết xuất từ rong nâu, được nghiên cứu giúp phòng ngừa và đào thải độc tố chì hấp thụ vào cơ thể mỗi ngày.
Sữa, sữa đậu nành có chứa các thành phần protein khi được kết hợp với chì trong cơ thể sẽ tạo thành một hợp chất hòa tan, thải ra ngoài. Sữa chua cũng có thể kích thích nhu động ruột làm giảm sự hấp thụ chì và làm tăng sự bài tiết.
Ngoài ra, để giúp cơ thể thải độc phải bổ sung các loại hoa quả giàu vitamin C như: cam, chanh, bưởi.. và uống 2 lít nước một ngày. Nước là dung môi không thể thiếu giúp hòa tan các tạp chất trong cơ thể và đào thải dần dần ra ngoài.
Đức Vinh