8 nguyên nhân khiến ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao

Trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày nước ta ghi nhận hơn 15.600 ca mắc mới Covid-19 với 222 ca tử vong. Số ca cộng đồng và tử vong cao do một số nguyên nhân cơ bản làm gia tăng ca nhiễm.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong số ca mắc Covid-19 tại nước ta có 6% là bệnh nhân nặng, 8,3% ở mức trung bình, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng cao nhất với 85,7%.

10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất cả nước là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, TP Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy người trên 65 tuổi chiếm hơn 47% là người có bệnh nền, hơn 36% là người 50-56 tuổi; 18-49 là 15%; nhóm 0-17 tuổi là 0,42%. Con số trên cho thấy tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%.

benh-nhan-nang.jpg
Nguyên nhân ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Thời gian qua, số ca cộng đồng và tử vong cao do một số nguyên nhân cơ bản làm gia tăng ca nhiễm trong thời gian qua.

Thứ nhất, sau khi thực hiện Nghị quyết 128 các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường.

Thứ 2, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.

Thứ 3, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, biến thể Omicron đã ghi nhận ở nước ta và có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng.

Thứ 4, có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Thứ 5, những người tiêm văcxin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian, đồng thời những người mới tiêm cần có thời gian để sinh miễn dịch.

Thứ 6, ca tử vong tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ văcxin. Báo cáo của các tỉnh, thành phố như TPHCM số người tử vong có bệnh nền chiếm 93%, trên 70 tuổi, phần lớn có từ 2 bệnh nền trở lên.

Thứ 7, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nghỉ dài, giao lưu, chúc tết, đoàn tụ gia đình.

Thứ 8, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 mở cửa chuyến bay thương mại, du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết… nguy cơ xâm nhập biến thể Omicron trong cộng đồng.

Vì thế, theo Bộ Y tế thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong. Trong đó, văcxin là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn đối với công tác phòng, chống dịch.

Người dân, các địa phương cần cảnh giác trước nguy cơ tái bùng phát dịch trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến thể Omicron. Người dân cần tích cực thực hiện tiêm văcxin, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện thông điệp 5K.

Theo Đời sống
back to top