Để Hà Nội không “vỡ trận” vì Covid-19

Liên tiếp trong hơn 10 ngày nay Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước với số ca mắc mới. Dự báo trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

Hiện số ca tử vong ở Hà Nội đang tăng cao từng ngày đã ở mức 2 con số. Nhiều người dân có tâm lý dự trữ thuốc điều trị Covid-19. Theo các chuyên gia điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe nếu không có sự theo dõi của bác sĩ.

Chơi Tết, vui xuân an toàn

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Đặc biệt, có khoảng 140 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài đăng ký trở về nước ăn Tết, sẽ dẫn tới những nguy cơ không nhỏ.

Trong thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể lên tới 5.000 – 7.000 ca/ngày. Có thể chủng Omicron sẽ lan rộng ra cộng đồng với tốc độ rất nhanh. Sở Y tế phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2, 3. Các quận huyện thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại.

hq.jpg

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tình trạng nhiễm ngoài cộng đồng ở Hà Nội đã rất rõ và nhiều.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi giao lưu nhiều, mật độ dân số đông, có nhiều sự kiện hội họp, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán lượng người đổ về Hà Nội càng đông, việc đi lại vui chơi hội hè... gia tăng là cơ hội để dịch bùng phát. Đây là mối lo thường trực nếu chúng ta không có giải pháp giảm số ca mắc mới, hệ thống y tế của Hà Nội sẽ quá tải, y tế cơ sở không tiếp cận được F0 và dẫn đến tử vong.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh, biến chúng Omicron đã xuất hiện trên 100 quốc gia và cũng đã xâm nhập vào Việt Nam. Vì vậy, khi thích ứng, sống chung với dịch, ý thức của người dân trở thành yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ chính mình. Chúng ta du xuân, chúc Tết, hội họp, giao lưu cuối năm, di chuyển trên đường... là điều không tránh khỏi nhưng không được chủ quan lơ là, đặc biệt không nên thả lỏng, nghĩ rằng tiêm văcxin rồi thì không nhiễm Covid-19.

Thực tế cho thấy, những người tiêm rồi vẫn bị nhiễm và vẫn có thể nhiễm nặng, đặc biệt là lây lan cho người già, người có bệnh nền, trẻ em... hoặc đến những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, dẫn tới lan bùng dịch ở nơi đó.

Trong thời điểm hiện tại ai cũng có thể nhiễm bệnh, vì vậy, chúng ta phải luôn đề phòng, không chủ quan, tuân thủ 5K, hạn chế đi lại, tụ tập, giao lưu... khi không cần thiết. Gặp gỡ mọi người là vui nhưng nhưng tránh tiệc tùng, cởi bỏ khẩu trang... có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được sức khỏe cho mình, cho gia đình mình và cộng đồng.

Ngày Tết chỉ nên bó hẹp trong phạm vi gia đình. Đừng để sau vài ngày vui Tết mà sau đó lại chạy đôn chạy đáo vì dịch bệnh.

84-tu-vong1.jpg

Thống kê cho thấy có đến trên 84% ca tử vong từ 50 tuổi trở lên, nhiều người có bệnh nền. Đây là nhóm nguy cơ cao nhất cần có biện pháp bảo vệ tích cực như tiêm sớm mũi văcxin bổ sung, các trạm y tế phân loại nguy cơ người nhiễm để giám sát, điều trị, kịp thời xử trí khi có dấu hiệu chuyển nặng...

Tự ý điều trị “tiền mất tật mang”

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 29/12/2021, tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội đã điều trị là 54.422. Bệnh nhân hiện đang điều trị: 25.217, trong đó điều trị tại bệnh viện: 2.426 người, tại cơ sở thu dung điều trị thành phố: 2.271 người. Cơ sở thu dung quận/huyện: 5.195 người. Theo dõi cách ly tại nhà: 15.005 người. Tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi: 26.677. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị: 231.

Tổng số người tử vong do Covid-19 (từ 27/4 - 29/12/2021): 143 người. Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, số ca tử vong luôn tăng cao: Ngày 30/12/2021 là 11 người; ngày 31/12 là 13 người.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cảnh báo, hiện tại Bệnh viện Nhiệt Đới T.Ư đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân, trong đó khoảng 100 người bị nặng phải thở máy, chạy ECMO. Nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng là do lúc ở nhà tự ý điều trị, sử dụng sai thuốc.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà phân tích, không phải bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào cũng cần dùng thuốc. Đối với bệnh nhân không có triệu chứng chỉ cần cách ly, theo dõi tại nhà, người bệnh có thể không cần uống thuốc.

Điều lúc này người dân cần nhất là kết nối chặt chẽ với y tế địa phương để có sự hướng dẫn tốt nhất về mặt chuyên môn thay vì nghe theo lời truyền miệng mà tự mua thuốc về điều trị.

Việc tự mua thuốc điều trị vừa khiến người dân mất tiền oan và nếu dùng sai thuốc thì có thể gây hại. Bởi trong điều trị nói chung và điều trị Covid-19 nói riêng, mỗi người sẽ được chỉ định từng loại thuốc khác nhau phù hợp với với từng cơ địa, từng thời điểm bệnh... Ở giai đoạn 3 - 5 ngày đầu nhiễm Covid-19, cơ thể đang đề kháng ngăn chặn sự nhân lên của virus, người bệnh ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc điều trị triệu chứng, nhóm bồi bổ cơ thể (vitamin, Đông dược) và thuốc kháng virus.

Nếu sử dụng thuốc kháng virus giai đoạn này sẽ ngăn chặn được sự nhân lên của virus. Từ đó sẽ giảm được triệu chứng ngăn bệnh diễn tiến nặng. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng virus đều là các thuốc mới được nghiên cứu. Do đó, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục, theo dõi, nghiên cứu tiếp. Thuốc đặc trị Covid-19 như Molnupiravir không phải hoàn toàn vô hại, vì thực tế nó có độc tính với trẻ em, phụ nữ mang thai...

Đặc biệt, nếu người dân dùng thuốc kháng viêm (corticoid) không đúng thời điểm không những làm giảm hệ thống miễn dịch, khiến cho virus phát triển mạnh hơn mà còn có thể gây thêm bệnh đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa...

Tương tự, thuốc chống đông có chỉ định tương đối chặt chẽ và khi sử dụng bệnh nhân phải được theo dõi sát sau đó, đặc biệt là nguy cơ xuất huyết, đe dọa tính mạng của thuốc kháng đông đối với một số đối tượng...

xet-nghiem-mau-ky3.jpg

Cách ly ngay để bảo vệ gia đình

Vì vậy, theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nếu không may mắc F0, người dân cần bình tĩnh, thực hiện cách ly y tế trong gia đình và liên hệ ngay với y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Ở giai đoạn đầu, việc cách ly y tế ngay trong gia đình quan trọng hơn uống thuốc để tránh lây lan cho các thành viên cùng sinh sống trong nhà.

Đặc biệt cần lưu ý tới các đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi và người có bệnh nền. Đối tượng này cần được chẩn đoán xác định bệnh càng sớm càng tốt và được ưu tiên dùng thuốc để tránh diễn biến nặng gây tử vong.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân cần chuẩn bị các thuốc như thuốc hạ sốt, chẩn bị thêm nhiệt kế, máy đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có điều kiện). Tuyệt đối không nên bỏ ra cả chục triệu mua thuốc rất lãng phí và đôi khi mua nhầm thuốc giả còn gây nguy hiểm. Hiện tại nước ta đang có nhiều thuốc kháng virus SARS-CoV-2 hiệu quả, được phát miễn phí như Molnupiravir, Favipavir...

Sở Y tế Hà Nội đã ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà nêu rõ cho thuốc điều trị cho F0 trên 18 tuổi gồm 3 nhóm là nhóm A, B và C.

Nhóm A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt (Paracetamol 500mg) và thuốc nâng cao thể trạng (Vitamin tổng hợp, Vitamin C).

Nhóm B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất trước khi chuyển viện.

Nhóm thứ ba là nhóm C bao gồm các thuốc kháng virus: Monupiravir, Favipiravir.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top