Người bị suy giảm trí nhớ thường có một số biểu hiện như quên những công việc thường ngày, quên những ký ức quan trọng, quên đường về nhà, thậm chí có thể quên ngay những điều vừa nói. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp khó khăn khi diễn đạt bằng lời nói và có sự thay đổi về tâm lý, rất hay cáu gắt vô cớ.
Nhiều yếu tố là nguyên nhân của việc suy giảm trí nhớ, bao gồm di truyền, tuổi tác và tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến não. Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được đối với tình trạng giảm trí nhớ, chẳng hạn như chế độ ăn uống và lối sống.
Mặc dù không phải tất cả các chứng suy giảm trí nhớ đều có thể ngăn ngừa được, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng việc thực hiện các thói quen đơn giản sau đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như hạn chế sự khởi phát sớm chứng suy giảm trí nhớ:
Tránh xa thuốc lá
Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư, hút thuốc lá còn có thể làm tăng nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ.
Theo WHO, thuốc lá làm tăng hàm lượng homocysteine trong huyết tương toàn phần, tạo thành nguy cơ chính gây đột quỵ, suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, trong đó có bệnh Alzheimer.
Ảnh minh hoạ |
Duy trì huyết áp khỏe mạnh
Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ của chứng suy giảm trí nhớ. Theo một nghiên cứu của Anh năm 2018, huyết áp cao thậm chí dưới ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Tăng huyết áp có thể gây ra những cơn đột quỵ nhỏ, làm tổn thương chất trắng của não, hạn chế lưu lượng máu đến não, làm cho não bị tổn thương dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Quản lý lượng đường (glucose) trong máu
Một số nghiên cứu đã chứng minh vai trò của bệnh đái tháo đường trong việc làm tăng nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ hay bệnh tim mạch. Người lớn mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ cao gấp 1,5 đến 3 lần.
Ảnh minh hoạ |
Duy trì cân nặng hợp lý
Theo một nghiên cứu từ Trường Y Đại học Boston, kiểm soát cân nặng giúp chống lại chứng suy giảm trí nhớ, cân nặng thường xuyên thay đổi thất thường sẽ dễ khiến chúng ta mắc hội chứng này về lâu dài.
Lý tưởng nhất là giữ chỉ số BMI trong khoảng từ 18,5 đến 24,9, tương ứng với vóc dáng được cho là bình thường.
Kiểm soát cholesterol
Dư thừa cholesterol trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL - cholesterol "xấu") cao, đặc biệt là ở độ tuổi từ 40 đến 65, có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ một thập kỷ sau đó.
Kiểm soát cholesterol cũng hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
Ảnh minh hoạ |
Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn ít chất béo và lành mạnh dựa trên chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer: Nhiều rau và trái cây, cá, các loại đậu, quả hạch và dầu ô liu cần được ưu tiên hơn.
Ngoài ra, nên tránh thực phẩm chế biến sẵn, yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý khác.
Tích cực vận động
Tập thể dục là cách rèn luyện sức khỏe hiệu quả và cũng rất tốt cho não bộ. Tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp tăng cường lưu thông máu và oxy đến não, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa và các bệnh suy giảm trí nhớ, giúp cơ thể phục hồi tốt, chống căng thẳng, mệt mỏi và giúp bạn có một giấc ngủ chất lượng.