6 khuyến nghị giúp Hà Nội sống "bình thường mới"

Từ ngày 16/9, 19 quận huyện tại Hà Nội đã được nới lỏng, cho phép một số cơ sở kinh doanh hoạt động . Ai cũng mong muốn Hà Nội sẽ gỡ bỏ giãn cách sau ngày 21/9. Nhưng theo các chuyên gia, chúng ta không nên chủ quan do đặc điểm của biến thể Delta, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch tại Thủ đô luôn hiện hữu.

Nới lỏng giãn cách nhưng không được chủ quan 

12h ngày 16/9, 19 đơn vị quận huyện gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà đã đáp ứng tiêu chí không có ca nhiễm mới trong cộng đồng được hoạt động một số cơ sở kinh doanh như: Văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hằng ngày.

hn-noi-long-gian-cach-3.jpg
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, qua theo dõi 2 tuần nay về diễn biến dịch Hà Nội cho thấy, mức độ các ca F0 giảm dần, các ổ dịch đã được kiểm soát tốt, việc xét nghiệm diện rộng các ca nhiễm thấp, việc tiêm văcxin cho đối tượng 18 tuổi trở lên đã đạt độ bao phủ trên 80%... Dù chưa có đánh giá miễn dịch cộng đồng, nhưng đây là những điều kiện tiên quyết để thực hiện việc nới lỏng từng phần và để đến 21/9 tùy vào tình hình dịch, số ca được phát hiện nếu dịch ổn định Hà Nội có thể chuyển về thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan vẫn cần chú trọng quản lý các hoạt động trong không gian hẹp như quán bia, karaoke, vũ trường, rạp chiếu bóng... Các hoạt động ngoài trời cũng không được tập trung đông người.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh, việc chuyển sự nới lỏng kiểm soát của chính quyền sang tình hình mới sống an toàn với virus đòi hỏi sự tự giác của người dân rất lớn. Người dân không chỉ phải thực hiện đầy đủ 5K mà cần thực hiện thông thoáng ở nơi làm việc, nhà máy và tại hộ gia đình để phòng tránh lây nhiễm qua không khí. Đặc biệt, không cần xét nghiệm diện rộng nhưng người dân khi có biểu hiện ho, sốt... phải đến bệnh viện hoặc thông báo cho hệ thống y tế địa phương để xét nghiệm. Việc xét nghiệm này tuy ít nhưng tập trung và phát hiện nhanh chỉ điểm để truy vết tìm ổ dịch khoanh vùng. Các nơi ổ dịch còn thì phong tỏa, kiểm tra đánh giá đủ điều kiện để dỡ phong tỏa. Kiểm soát dịch để không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và quá tải bệnh viện, giảm tử vong... là phương án mới Hà Nội cần thực hiện cho đến khi tạo được miễn dịch cộng đồng (cả trẻ em và người lớn được tiêm đủ văcxin).

Vấn đề liệu Hà Nội có nới lỏng giãn cách sau ngày 21/9, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Hà Nội đã và đang tiến hành xét nghiệm, tầm soát diện rộng. Có thể để F0 về không thì rất khó, nhưng số ca bệnh ngoài cộng động đang giảm đáng kể; Việc bao phủ văcxin cũng đạt tỷ lệ cao... Vì vậy, Hà Nội có thể gỡ bỏ giãn cách sau 21/9 khi các chỉ số nguy cơ bùng phát dịch giảm xuống ở mức tối thiểu và việc kiểm soát những ca bệnh từ bên ngoài TP Hà Nội không để xâm nhập vào phải được kiểm soát một cách hiệu quả, đồng thời các biện pháp đáp ứng nới lỏng vẫn kiểm soát được tình hình dịch.

ha-noi-noi-long-gian-cach-1.jpg
Tiêm văcxin cho người dân Hà Nội.

Xác định phòng chống dịch lâu dài

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, do đặc điểm của biến thể Delta, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch tại Thủ đô luôn hiện hữu. Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong tỏa thì thần tốc xét nghiệm nhanh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, thu hẹp dần vùng phong tỏa, giãn cách.

Hà Nội cần xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khoẻ của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động... chuẩn bị sẵn sàng để không bị động.

ha-noi-noi-long-gian-cach-4.jpg
Thứ Trưởng Đỗ Xuân Tuyên động viên người già khi đi tiêm văcxin.

TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trưởng ban Điều phối Liên minh NCDs-VN, EBHPD, CSO-OHCCP cho biết, các thành viên tập hợp trong 6 mạng lưới, liên minh đã gửi khuyến nghị theo đề nghị của Hà Nội về giảm dần phong tỏa chống dịch Covid-19 theo lộ trình. Cụ thể:

1. Giữ mục tiêu phong tỏa là hạn chế mọi điểm tập trung đông người (từ 10 người trở lên), hạn chế sự vi phạm khoảng cách tiếp xúc an toàn tối thiểu (2m). Thực hiện theo dõi, nhắc nhở, phạt chủ thể để xảy ra vi phạm.

2. Quy định toàn dân tiếp tục thực hiện 5K (thực hiện tốt đeo khẩu trang hoặc kính chắn giọt bắn, giữ khoảng cách an toàn trong tiếp xúc xã hội tối thiểu 2m, vệ sinh cá nhân, không tập trung chỗ đông người, khai báo y tế khi có dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ liên quan tới dịch).

3. Tiếp tục vận động người dân ở nhà, hạn chế ra đường tối đa có thể.

4. Cho phép các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức công tác, sản xuất (cam kết tuân thủ đúng yêu cầu 5K) và người dân (có nhu cầu phải đi lại phục vụ nhu cầu thiết yếu), thực hiện khai báo tiến trình đi lại như sau:

- Người dân tự thực hiện khai theo mẫu phiếu điện tử (hoặc tờ khai viết tay, hoặc in ra) mang theo người khi đi lại, nội dung nêu rõ nhu cầu đi lại trong ngày và tự chịu trách nhiệm xác định mức độ cấp thiết cần phải đi lại và thực thi đúng yêu cầu phòng chống dịch 5K.

– Các cơ quan, doanh nghiệp tự cấp giấy đi đường cho thành viên của cơ quan, doanh nghiệp mình và chịu hoàn toàn trách nhiệm đảm bảo thành viên trong khuôn khổ quản lý của cơ quan tuân thủ quy định giãn cách phòng chống dịch.

5. Bỏ mọi hạn chế đi lại với người dân khi họ: Đã tiêm đủ 2 mũi văcxin được 14 ngày. Là người bệnh Covid-19 đã hồi phục xuất viện/cơ sở y tế, trong vòng 6 tháng trở lại (kể từ ngày ra viện).

6. Bỏ mọi yêu cầu xét nghiệm âm tính trong việc xét đi lại (dù là test nhanh hay test PCR)...

Theo các chuyên gia, dịch bệnh sẽ kéo dài với khả năng đột biến, lây nhiễm mạnh của nCoV, việc thay đổi chiến thuật chống dịch phải dựa vào những bằng chứng khách quan. Hiện tại cần điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch giai đoạn mới, theo hướng tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống, bao gồm xét nghiệm trọng điểm; điều trị hiệu quả; triển khai tiêm văcxin, dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy.

Những tỉnh đang kiểm soát được dịch bệnh sẽ tiếp tục nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả. Những địa phương dịch nhiễm sâu và nặng như TPHCM, một phần tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... cần có những biện pháp chống dịch đặc biệt, như tập trung kiểm soát nguồn lây, kéo giảm số ca nhiễm mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm văcxin. Sau khi tiêm văcxin đạt miễn dịch cộng đồng, những nơi này dần nới lỏng sản xuất, kinh doanh theo trạng thái "bình thường mới".

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong chiến lược mới cần tiếp tục thực hiện 5K; hình thành mô hình sống chung an toàn như sinh hoạt, giáo dục, đi lại, sản xuất an toàn; giãn cách xã hội khi cần thiết để làm chậm chuỗi lây nhiễm mới...

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top