6 biện pháp phòng chống biến chủng Omicron

Biến chủng mới Omicron chưa ghi nhận ở Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống trước biến chủng Omicron.

Đây là nội dung chính trong Công điện số 1988/CĐ-BYT ngày 06/12/2021 của Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Đến ngày 2/12/2021, đã ghi nhận ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận biến chủng này. Tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.

Thực hiện Công điện số 1662/CĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) điện và đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19:

bien-chung-moi-1.jpg
6 biện pháp phòng chống biến chủng Omicron.

1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

2. Chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique…) và một số quốc gia khu vực châu Âu; thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

3. Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

4. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng văcxin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ văcxin, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

5. Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận.

6. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.

Theo VietnamDaily
Nguy kịch vì uống mật cá trắm tẩm bổ

Nguy kịch vì uống mật cá trắm tẩm bổ

Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Khi nuốt vào dạ dày, chất độc này gây tổn thương, viêm, loét đường tiêu hóa,… Sau đó nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan…
back to top