Mảnh nhựa "ngủ quên" giữa 2 dây thanh suốt 4 tháng

Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ nhỏ và là tai nạn nguy hiểm, có thể làm tắc nghẽn đường thở, gây khó thở cho bệnh nhân, thậm chí là tử vong.

Mới đây, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã phát hiện một trường hợp trẻ hóc dị vật bị bỏ quên khá lâu và rất đặc biệt.

Bệnh nhi là bé gái tên H. 18 tháng tuổi, (Sóc Trăng), bị khàn tiếng và khó thở kéo dài gần 4 tháng. Gia đình đưa bé H. đi khám nhiều phòng khám cũng như các bệnh viện đều được chẩn đoán viêm thanh quản cấp. Bé cũng từng được điều trị ngoại trú lẫn nội trú tại nhiều bệnh viện, triệu chứng có cải thiện nhưng không hết hẳn.

Mảnh nhựa cắm giữa thanh môn bé gái rất hiếm gặp. Ảnh BVCC

Mảnh nhựa cắm giữa thanh môn bé gái rất hiếm gặp. Ảnh BVCC

Vừa qua bé H. nhập viện tại khoa Hô Hấp 1, bệnh viện Nhi Đồng 2 với tình trạng thở rít thanh quản kéo dài. Khai thác bệnh sử, bác sĩ không ghi nhận bé có hít sặc dị vật trước đây.

Để tầm soát nguyên nhân, trẻ được nội soi Tai mũi họng và chụp CT Scan cổ ngực với kết quả nghi ngờ có một màng chắn vùng hạ thanh môn.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện nội soi phế quản cho bé và phát hiện mảnh dị vật bằng nhựa sắc, mỏng và trong suốt cắm ngay giữa thanh môn, tức là giữa 2 dây thanh âm của trẻ. Rất nhanh chóng, ê kíp nội soi tiến hành gắp dị vật thành công cho bé.

Sau khi gắp dị vật, sức khỏe và đường thở của bé phục hồi tốt và được xuất viện sau 2 ngày.

Dị vật kẹt lâu ngày trong đường thở có thể gây nhiễm trùng, xuyên thủng khí phế quản, có thể nguy nguy hiểm tính mạng của trẻ. Trong trường hợp này, gia đình bé hoàn toàn không ghi nhận được việc bé bị sặc dị vật, may mắn là dị vật tuy kẹt ở vị trí hiếm gặp nhưng không gây xuyên thủng đường thở của trẻ sau một thời gian rất dài.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa tình trạng hóc dị vật, phụ huynh cần lưu ý không nên cho trẻ dưới 4 tuổi dùng những thức ăn cứng hoặc tròn, như kẹo, đậu phộng, nho, các loại hạt…

Bên cạnh đó, trẻ cần được ngồi thẳng khi ăn; được hướng dẫn cách nhai kỹ và tránh la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc khi ăn; được giám sát bởi người lớn và để xa tầm tay những vật dụng hay những mảnh đồ chơi nhỏ.

Đồng thời, khi trẻ có tình trạng ho, khò khè kéo dài kém đáp ứng điều trị, quý phụ huynh cần đưa trẻ khám ngay tại cơ sở y tế chuyên sâu về hô hấp nhi, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top