Nhiều nghề biến mất
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế: Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng cơ bản là kết nối số mọi lúc mọi nơi (IoT); trí tuệ máy với việc robot tạo ra robot, tạo ra lực lượng cạnh tranh và thay thế con người ở mọi cấp độ.
Do đó, sẽ có nhiều nghề biến mất do thay đổi công nghệ, hàng triệu người thất nghiệp, đặc biệt là những nghề lao động giản đơn và lao động có chuyên môn mà kỹ năng yếu dễ có nguy cơ lớn nhất.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế. |
Theo số liệu công bố tại Hội nghị Kinh tế thế giới, với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có đến 65% công việc trong tương lai dành cho thế hệ Z (sinh giai đoạn 1995-2012) vẫn chưa xuất hiện. Những công việc hôm nay chúng ta cần 50% kiến thức về mặt công nghệ thì trong tương lai sẽ tăng lên 77%. Lĩnh vực được xác định sẽ tăng nhu cầu lao động là phân tích dữ liệu, bán hàng chuyên nghiệp và loại nguồn nhân lực mới cũng như các chuyên gia liên quan đến vật liệu, hóa sinh, công nghệ nano và robot.
Thị trường lao động Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến lớn, gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm, trong đó xu hướng tăng nhanh khởi nghiệp và tự tạo việc làm của thanh niên. Trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là 85% lao động trong ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ...
4 lĩnh vực phát triển nhanh thu hút nhiều nhân lực
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “Lao động tri thức” kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà robot không thể làm thay. Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này. Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot - ông Trần Anh Tuấn nhận xét.
Phải chọn nghề phù hợp khả năng bản thân và nhu cầu phát triển thị trường lao động. |
Dự báo 4 lĩnh vực phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động: Công nghệ kỹ thuật, Tự động hóa và Khoa học sáng tạo (Công nghệ thông tin - in 3D, điện - điện tử, cơ khí tự động - robot - chế tạo máy, hóa dược - hóa sinh, hóa mỹ phẩm, chế biến tinh thực phẩm - an toàn thực phẩm...); Thiết kế và Mỹ thuật ứng dụng, Kỹ thuật công trình xây dựng và môi trường; Quản trị Kinh doanh - Thương mại, Marketing, Kinh doanh Tài chính; Dịch vụ và Quản trị dịch vụ (Du lịch và lữ hành, nhà hàng – khách sạn – ăn uống, một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao). Và những nhóm ngành khác trong xu hướng phát triển thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, sư phạm kỹ thuật và giáo dục, công nghệ nông - lâm - thủy sản, công nghệ dệt - may, văn hóa - nghệ thuật - thể thao...
Thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng, đa trình độ. Mỗi người có thể yên tâm chọn ngành, trường học phù hợp sở thích, năng lực. Bằng cấp phải đi đôi với giá trị nghề nghiệp thì các em mới có thể đứng vững trong thị trường lao động.
Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi người cần tuân theo tiêu chí: Năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Trong thị trường lao động phát triển, tương lai trong tầm tay những người thanh niên có nghề và giá trị hành nghề chất lượng.
5 điều kiện của nhân lực chất lượng cao: Có nghề chuyên môn; Kỹ năng nghề; Chấp hành Kỹ luật - Đạo đức nghề nghiệp; Biết ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ văn phòng; Ngoại ngữ giao tiếp.