Thống kê của Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có 870 đô thị. Trong đó, có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 169 đô thị loại II, III, IV và phần lớn (677) là đô thị loại V.
Trong 5 năm qua, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam đã và đang triển khai thành phố thông minh.
Đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 địa phương triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.
Đà Nẵng là thành phố được công nhận đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh tốt nhất, với 2 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2020- 2021.
Thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.
Đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật vai trò của thành phố thông minh khi đặt ra nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng, hiện Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh xây dựng đô thị thông minh. Thể hiện tại Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Hay mục tiêu đến năm 2025 phải có 3 đô thị thông minh theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị...
Bộ TTTT đã ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh.
Bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.
Tuy nhiên, kết quả bước đầu đạt được chưa vững chắc và vẫn cần trải nghiệm thực tế để xây dựng thành phố thông minh thực sự bền vững, có sức chống chịu cao, linh hoạt, dễ thích ứng và phản ứng nhanh trước những tác động môi trường và xã hội.