Thành phố thông minh: Tiêu chuẩn định cư mới đã thành hình

(khoahocdoisong.vn) - Thành phố thông minh sẽ không chỉ là trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội, mà còn là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.

Với khả năng mở rộng không ngừng của các ứng dụng công nghệ, từ tổ chức đi lại, cung cấp năng lượng, phân phối hàng hóa, đến quản lý cơ sở hạ tầng, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh, bảo vệ…đô thị thông minh cũng là đô thị lấy con người làm trung tâm, phục vụ tất cả nhu cầu của người dân trên nền tảng công nghệ hoàn chỉnh và luôn được đổi mới.

Bước phát triển tiếp của mô hình đô thị

Thành phố thông minh hay đô thị thông minh như là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Trong đó, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intellegence - AI) là nền tảng trụ cột, điểm khác biệt lớn nhất giữa thành phố thông minh và thành phố công nghệ bình thường. AI sẽ tạo ra một hệ thống hữu cơ có thể học hỏi và giao tiếp với con người để cải thiện chất lượng sống nói chung của đô thị.

Mạng viễn thông số sẽ đảm nhiệm việc truyền tải thông tin trong hệ thống thông tin của thành phố thông minh.

Các dụng cụ cảm biến gồm cảm biến nhiệt độ, chất lượng không khí, camera, cảm biến giao thông… giúp thu thập thông tin theo thời gian thực và lưu trữ trong dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích và đưa ra những giải pháp phù hợp.

Dữ liệu lớn – Big Data sẽ tổng hợp dữ liệu và cho phân tích tổng quan. Với số liệu tương đối, thông qua Big Data sẽ đánh giá tương đối mức độ phát triển của một thành phố.

Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT) là giao thức để các thiết bị cảm biến kết nối với mạng viễn thông và truyền dữ liệu về Big Data. Dữ liệu từ Big Data sau khi được phân tích sẽ thông qua IoT truyền trở lại cho các nhà quản lý và cư dân thành phố thông qua các thiết bị thông minh như điện thoại thông minh (Smart phone).

Nhờ ứng dụng các hệ thống trên, thành phố thông minh sẽ giải quyết được những vấn đề mà đô thị cũ không thể giải quyết được như tối ưu vận hành hệ thống nguồn năng lượng, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên khác như chiếu sáng, nước sạch… Có thể nói, việc phát triển đô thị thông minh là quá trình tiến hóa tiếp theo của việc đô thị hóa mở rộng trên nền tảng phát triển của nền công nghiệp 4.0 trong tương lai.

Hiện nay, tùy thuộc vào bối cảnh riêng, mỗi quốc gia, mỗi thành phố lại có một chiến lược riêng để phát triển thành phố thông minh. Mỗi thành phố lại có ưu tiên riêng đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thế mạnh của mình.

Trong khi các nước phát triển xây dựng thành phố thông minh trong giai đoạn hậu đô thị hóa như Putrajaya (Malaysia) thì các thành phố như New York, London, Amsterdam, Munich, Tokyo… cần thành phố thông minh đối mặt thách thức dân số già, biến đổi khí hậu, an ninh và duy trì vị thế cạnh tranh…

Kỳ vọng từ Bình Dương

Tại Việt Nam, các thành phố có xuất phát điểm thấp nhưng lại có tốc độ đô thị hóa nhanh. Điều này là hạn chế, nhưng cũng là lợi thế của Việt Nam. Nếu như các nước phát triển tìm cách làm mới thành phố của họ trong khuôn khổ hạ tầng đã ổn định thì Việt Nam có thể đi tắt đón đầu công nghệ, do còn nhiều cơ hội để xây dựng.

Từ cuối thập kỷ 1990, Việt Nam có một số dự án về thành phố thông minh như công viên phần mềm Quang Trung, công viên công nghệ cao Sài Gòn, khu công nghệ cao Hòa Lạc  Giai đoạn 2000 – 2010, các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM... có các khởi xướng, đề xuất về xây dựng thành phố thông minh.

Sau năm 2010, làn sóng thứ ba của thành phố thông minh lan đến hơn 20 thành phố lớn, nhỏ ở Việt Nam như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương. Có thành phố tiếp cận từ trên xuống với đầu tư bài bản trong bước tư vấn rồi hình thành kiến trúc tổng thể và danh mục các dự án cần thực hiện. Có những thành phố đưa ra chủ trương chung còn các dự án thực hiện từ dưới lên có thể có hay không thiết kế tổng thể, tích hợp tổng thể. 

Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, mới chỉ Bình Dương được Thế giới công nhận là thành phố thông minh tiêu biểu. Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa "ba nhà" gồm: nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp. 

Cụ thể, là chú trọng trước hết việc tạo ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa nhiều thành phần trong địa phương, mà đặc biệt là cơ chế ba nhà, hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, và các viện, trường, để phát huy được sức mạnh tập thể và sự sáng tạo của cả cộng đồng, đồng thời tùy vào bức tranh toàn cảnh, bản chất của nền kinh tế - xã hội, thế mạnh của địa phương mà cùng vạch ra các mục tiêu đột phá để triển khai một cách đồng bộ, đặt con người chứ không phải công nghệ là trọng tâm, mang lại lợi ích chung cho các bên.

Thực tế, hiện nay thế giới công nhận những đô thị thông minh rất ít. Đô thị thông minh phải hiểu là đồng bộ các nội hàm như kết nối thông minh, giao thông thông minh, môi trường sạch… Do đó, có nhiều thách thức được đặt ra khi tiến hành xây dựng thành phố thông minh, như vấn đề huy động và phân phối nguồn lực như thế nào để tránh đầu tư dàn trải. Lưu ý rằng, đôi khi việc đầu tư, duy trì, bảo dưỡng các công nghệ còn tốn kém hơn lợi ích mà nó mang lại. Ngược lại, việc chọn đúng điểm để đầu tư sẽ tạo ra lực bẩy nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Hiện nay, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ, ngành vẫn đang nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh. 

Theo Đời sống
back to top