Tại buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM chiều 6/12, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến tình trạng người lao động đồng loạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Số liệu thống kê từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố là hơn 2,2 triệu người. Số lượng hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng thời gian gần đây. Từ đầu năm tới nay, Bảo hiểm Xã hội đã giải quyết 95.055 hồ sơ, số tiền chi trả là hơn 6.000 tỷ đồng.
Ông Lâm chỉ ra 3 nguyên nhân khiến người lao động quyết định đăng ký hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần. Thứ nhất là người lao động ngừng việc, thiếu việc làm bị ảnh hưởng thu nhập, để trang trải cuộc sống, họ quyết định chuyển từ khu vực chính thức sang lao động tự do, không tham gia Bảo hiểm Xã hội.
Thứ hai, một bộ phận người lao động từ tỉnh khác đến thành phố chọn hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thứ ba, do thói quen của người lao động nghĩ rằng nhận Bảo hiểm Xã hội là trợ cấp mất việc để giải quyết khó khăn, sau đó tính đến phương án tiếp tục tham gia trở lại khi có điều kiện.
Để hạn chế tình trạng trên, theo ông Lâm, Sở Lao động Thương binh Xã hội đang đẩy mạnh tăng truyền thông cho người lao động để họ hiểu về lợi ích hưởng lương hưu so với BHXH một lần.
Theo đó hưởng lương hưu sẽ theo suốt với mỗi cá nhân sau khi nghỉ việc cho đến lúc qua đời, hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần chỉ lãnh được một phần và nhanh chóng sử dụng hết sẽ ảnh hưởng đến đời sống mỗi cá nhân.
Về giải pháp mang tính bền vững hơn, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng triển khai đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động khi họ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Phương án trên sẽ giúp người lao động nhanh chóng quay lại thị trường lao động chính thức.