10 năm ở Mỹ không chữa được vô sinh, về nước lại tìm được mụn con

(khoahocdoisong.vn) - Thử đủ phương pháp “tìm con” tiên tiến ở Mỹ đều thất bại, trong thời gian về Việt Nam, chị thử thụ tinh trong ống nghiệm theo lời bạn bè, mặc dù không nhiều hy vọng nhưng cuối cùng hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình chị.
Vợ chồng chị Helen

Vợ chồng chị Helen

Câu chuyện được chị Helen Thanh Nguyễn (46 tuổi, Việt kiều Mỹ) chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa hiếm muộn (IVF) Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) ngày 3/11. Bé Paula vừa tròn 22 tháng tuổi là kết quả hơn 10 năm ròng rã vợ chồng chị đi “tìm con”.

Chị Helen xúc động chia sẻ, chị lập gia đình khi 33 tuổi, sau 2 năm vẫn chưa có con. Bác sĩ cho biết chồng chị bị tinh trùng yếu cần phải can thiệp nhân tạo. Trải qua 3 lần bơm tinh trùng và thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ, vợ chồng chị Helen dần mất hết hy vọng.

Bé Paula xinh xắn và hiếu động

Bé Paula xinh xắn và hiếu động

Vào năm 2016, trong một lần về Việt Nam, chị được một số người bạn đã từng thụ tinh trong ống nghiệm thành công khuyên vào Bệnh viện Hùng Vương thực hiện. “Ở Mỹ thụ tinh trong ống nghiệm còn không thành công, thì không biết về Việt Nam thế nào nhưng tôi cứ thử xem sao, đằng nào cũng có 2 tháng về Việt Nam chơi”, chị Helen kể.

Tháng 2/2017, chị được chuyển phôi lần đầu tiên nhưng thất bại. Tháng 4/2017, chị thực hiện chuyển phôi lần 2. Cùng thời điểm làm IVF với chị có ba người bạn đều mang thai thành công. Riêng chị không có triệu chứng nào cho thấy đã có thai. Lúc đó, chị đã nghĩ con cái là do trời ban và chấp nhận số phận, nhắn tin chia tay các bác sĩ  để về Mỹ.

“Không ngờ, tôi lại nhận được tin nhắn phản hồi của chị Tuyết (TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương) chúc mừng tôi đã có thai và dặn tôi giữ gìn cẩn thận”, chị Helen kể lại. Niềm vui chưa dứt, sóng gió đã ập tới khi theo dõi thai kỳ, bác sĩ lo ngại thai nhi có nguy cơ bị hội chứng down do người mẹ lớn tuổi, phải chọc ối để xét nghiệm. May mắn bé phát triển bình thường.

Không cầm được nước mắt, chị tâm sự: “Chỉ có ai từng làm IVF rồi mới hiểu cảm giác ham con và mong con đến thế nào. Thời gian chờ kết quả sức khỏe của con là quãng thời gian kinh khủng nhất tôi đã trải qua. Giờ đây thấy những ai hiếm muộn tôi đều muốn chia sẻ và truyền niềm tin đến với họ. Các bác sĩ ở Việt Nam rất tuyệt vời.”

Thành lập từ năm 2004, sau 15 năm, đến nay khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương đã mang lại niềm vui cho hơn 2.000 cặp vợ chồng hiếm muộn. Năm 2018, khoa đã được Ủy ban chứng nhận chất lượng về kỹ thuật sinh sản (Reproductive Technology Accreditation Committee – RTAC) thuộc hiệp hội sinh sản Úc (Fertility Society of Australia – FSA) cấp, trở thành một trong 5 bệnh viện đầu tiên trong cả nước đạt được chứng nhận này. Vào tháng 6/2019, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương đã được Bộ Y tế công nhận bệnh viện được phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top