10 lưu ý trong chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết 

(khoahocdoisong.vn) - 6 tháng đầu năm, TPHCM ghi nhận hơn 24.000 ca sốt xuất huyết, tăng 176 % so với cùng kỳ năm ngoái, 5 người tử vong gồm 3 người lớn và 2 thiếu niên. Dịch bệnh đang vào mùa và có dấu hiệu gia tăng.

1. Sốt xuất huyết sẽ sốt cao liên tục 3 - 4 ngày nên đôi khi hạ sốt bằng thuốc Paracetamol chỉ giảm sốt phần nào, sau đó sẽ sốt lại. Tâm lý phụ huynh thường sẽ rất lo lắng, cố gắng cho con uống nhiều lần Paracetamol hơn hoặc dùng thuốc khác hạ sốt như Ibuprofen. Việc dùng quá liều thuốc Paracetamol sẽ làm tổn thương gan, dùng Ibuprofen sẽ khiến trẻ bị sốt xuất huyết dễ bị xuất huyết tiêu hóa.

2. Không dùng kháng sinh để điều trị sốt xuất huyết vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây bệnh, không phải vi khuẩn nên kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Nếu không có bằng chứng nhiễm trùng nào khác kèm theo thì không dùng kháng sinh. 

3. Vì sốt xuất huyết sẽ khiến trẻ thường mệt mỏi, ăn uống kém, người nhà sẽ lo lắng và có xu hướng muốn truyền dịch, truyền “đạm” cho bé để hỗ trợ sức khỏe. Việc truyền dịch không đúng chỉ định dễ khiến trẻ bị quá tải dịch trong người, gây tràn dịch màng phổi, màng bụng nhiều khiến trẻ khó thở.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết biến chứng nặng, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết biến chứng nặng, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM.

4Trong bệnh sốt xuất huyết trẻ dễ bị ói, hạn chế không cho trẻ ăn các thức ăn thức uống có màu đỏ, nâu, đen. Khi trẻ ói, không thể phân biệt đó là dịch lẫn màu thực phẩm hay trẻ có xuất huyết tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc theo dõi bệnh.

5. Ở một số nơi vẫn còn tập quán “cạo gió”,“cắt lễ” khi trẻ sốt, việc làm này dễ khiến trẻ bị bầm da, chảy máu khó cầm hoặc nhiễm trùng huyết từ dụng cụ cắt da.

6. Nhiều phụ huynh không cho con tắm vì nghĩ tắm sẽ khiến trẻ bệnh nặng hơn. Thực tế, vẫn nên cho trẻ tắm nước ấm để giữ vệ sinh thân thể, đồng thời trong giai đoạn sốt, tắm nước ấm cũng là cách hạ sốt không dùng thuốc.

7. Các ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết là ngày thứ 3 - 4 - 5 của bệnh, thường giai đoạn này trẻ hết sốt, nhưng mệt hơn, ói, đau bụng hoặc có xuất huyết kín đáo. Đôi khi người nhà thấy trẻ hết sốt nên không đi khám bệnh, dẫn đến tình trạng nhập viện trễ, bệnh nặng.

8. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường chích lúc trời còn sáng, đôi khi phụ huynh chỉ mắc màn cho trẻ ngủ buổi tối, ban ngày thì lại không nên muỗi sốt xuất huyết vẫn chích và gây bệnh. 

9. Phụ huynh đôi khi nghĩ rằng con mình đã bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại, thực tế, sốt xuất huyết hiện tại có 4 type virus Dengue gây bệnh, nên đôi khi trẻ vẫn có thể bị lại sốt xuất huyết khi nhiễm type virus khác lần đầu.

10. Không phải tất cả các trường hợp sốt xuất huyết đều phải nhập viện, thực tế chỉ có khoảng 30% cần phải nhập viện theo dõi sát, các trường hợp khác đa phần chỉ cần điều trị ngoại trú.

ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, riêng tháng 6 TPHCM có hơn 2.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 2 người tử vong. Đánh giá năm nay dịch sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa, đặc biệt thời tiết đang mưa liên tục kết hợp nắng nóng là điều kiện muỗi vằn sinh sản và phát triển làm lây lan dịch bệnh nhanh trong khu dân cư.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top