Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Chinh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, khoảng 90% thai phụ nhiễm viêm gan siêu vi cấp sẽ lây truyền cho thai nhi. 10% - 20% thai phụ mắc viêm gan B (VGB) mạn tính sẽ lây cho thai.
90% trẻ bị nhiễm VGB có nguy cơ thành người nhiễm viêm gan B mạn tính. Khi trẻ trưởng thành, 25% gặp nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan.
Ngoài ra, VGB có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch âm đạo, tinh dịch. Do đó, con đường lây bệnh có thể là do quan hệ tình dục không được bảo vệ, dùng chung bơm kim tiêm, dùng chung vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng…
Mặc dù vậy, viêm gan B không lây qua sữa mẹ, không lây qua tiếp xúc thông thường như dùng chung dụng cụ ăn uống, ôm, hôn, nắm tay.
Trong vòng 6 tháng sau khi bị nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B, người bệnh sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, ăn không ngon, nôn và ói, vàng da (vàng da và mắt), đau dạ dày, đau cơ và khớp.
Viêm gan B hiện có thuốc điều trị làm giảm số lượng virus, giảm tốc độ tiến triển bệnh, giảm biến chứng xơ gan và ung thư gan.
Bên cạnh đó, hiện đã có văcxin ngăn ngừa VGB.
Người mới tiếp xúc với virus viêm gan B mà chưa tiêm ngừa văcxin, có thể tiêm 1 liều huyết thanh miễn dịch chống VGB và văcxin càng sớm càng tốt để ngừa lây nhiễm.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu bà mẹ bị nhiễm VGB cần đi khám chuyên khoa để được điều trị bệnh và điều trị dự phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con. Trong 24 giờ sau sinh, trẻ sẽ được tiêm liều văcxin VGB đầu tiên cùng với một liều huyết thanh miễn dịch.
Sau đó trẻ sẽ được tiêm 3 liều văcxin nữa. Sau khi hoàn tất đợt tiêm văcxin, trẻ sẽ được kiểm tra xem có nhiễm VGB không.
Ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm VGB, khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, cần đưa trẻ đi xét nghiệm viêm gan B tại các cơ sở y tế.