Phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con

(khoahocdoisong.vn) - Tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ bú mẹ có nhiễm HBsAg lên tới 90% nếu trẻ không nhận được bất cứ hình thức dự phòng nào. Việc dự phòng lây truyền mẹ sang con có thể làm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B từ 90% xuống còn 5%.

Hỏi: Tôi có thai mới phát hiện viêm gan B nên rất lo lắng không biết có cách gì để phòng cho con không bị lây nhiễm không?

Nguyễn Thúy Liên (Hà Nội)

ThS.BS Nguyễn Hương Trà, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Viêm gan B lây truyền mẹ sang con có thể xảy ra trong tử cung, khi sinh hoặc sau sinh; 

Hiện chưa có bằng chứng đầy đủ khẳng định virus viêm gan B lây qua sữa mẹ. Nếu em bé được dự phòng lây nhiễm đúng cách, việc bú sữa mẹ không làm tăng nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ bú mẹ có mẹ nhiễm HBsAg lên tới 90% nếu trẻ không nhận được bất cứ hình thức dự phòng nào. 

Có 3 phương án dự phòng lây nhiễm tốt nhất viêm gan B là:

1 - Điều trị kháng virus trong thai kỳ: Thời gian điều trị được khuyến cáo hiện nay là từ tuần thai 28 - 32. Trước đó ở lần khám thai đầu tiên, mẹ cần làm xét nghiệm HBsAg bất kể đã tiêm phòng hay xét nghiệm viêm gan B trước đó hay chưa.

2 - Tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ: Tất cả trẻ em đều được khuyến cáo tiêm văcxin viêm gan B càng sớm càng tốt trong vòng 24h sau sinh.

3 - Tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ: Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B được khuyến cáo tiêm huyết thanh càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau sinh. Sau đó tiêm thường quy loạt 3 liều văcxin BV tái tổ hợp trong 6 tháng đầu đời.

Nếu chỉ tiêm văcxin viêm gan B cho bé, vẫn có tỷ lệ 30% trẻ sẽ nhiễm bệnh. Nếu kết hợp tiêm văcxin và huyết thanh, trẻ sẽ phòng được bệnh với tỷ lệ 90%. 10% có nguy cơ mắc viêm gan B do mẹ có tải lượng virus trong máu cao. Nếu kết hợp cả 3 phương án, trẻ được giảm đến 96 - 98% khả năng nhiễm bệnh.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top