Thợ mỏ được ví là những người “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” với biết bao gian nan và nguy hiểm.
• Húp tương
Thế nhưng khi được chứng kiến sự bình thản đi vào lòng đất mới thấy hết được ý chí kiên cường cùng với một sức khỏe bền bỉ và một tâm hồn lạc quan của những người thợ mỏ. Đó cũng chính là đặc trưng của thợ được hun đúc qua nhiều thế hệ bằng kỷ luật và tinh thần đồng tâm, hiệp lực…
Đường xuống “âm phủ”
Phải mất đến vài lần đăng ký, một số nhà báo chúng tôi mới được Công ty CP Than Hà Lầm (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) sắp xếp đi cùng thợ mỏ xuống hầm lò mang “vàng đen” lên mặt đất. Bởi lẽ những quy định về an toàn của ngành Than nói chung và ở Công ty CP Than Hà Lầm nói riêng rất nghiêm ngặt.
Có thể thấy trên khắp các công trường đâu đâu cũng bắt gặp những khẩu hiệu như: “Kỷ luật và đồng tâm”, “Văn hóa an toàn của thợ mỏ là con đường phát triển bền vững”, “Suy nghĩ về an toàn, làm việc an toàn, gia đình đang đợi bạn ở nhà”…
Theo đó trước khi xuống hầm, cán bộ an toàn của Công ty cũng đã lưu ý các nhà báo để bảo an toàn thì máy ảnh, máy quay, điện thoại không được đem xuống mà phải dùng máy ảnh phòng nổ, có cảm biến đo khí dễ cháy. Đồng thời khi bước chân xuống lò, tất cả đều phải đi ủng, đội mũ bảo hộ, đeo đèn chống nổ trên đầu và chiếc bình ôxy cứu hộ.
Riêng với chiếc bình ôxy cứu hộ, mặc dù chỉ dùng 1 lần, nhưng vô cùng cần thiết. Trong trường hợp gặp sự cố hoặc xuất hiện khí độc, người dùng giật nắp bình là sẽ có không khí sạch để thở trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Sau cuộc họp bàn giao, phân công nhiệm vụ, tất cả những người tham gia cùng đồng loạt đứng dậy đồng thanh hô lớn ba lần “An toàn! An toàn! An toàn!”. Mang trên mình bộ quần áo cùng đầy đủ thiết bị bảo hộ, chúng tôi bước xuống lò trong niềm háo hức xen lẫn sự hồi hộp và có phần lo lắng.
Trong khi đó xung quanh những người đang bình thản, chúng tôi hiểu rằng, đó không chỉ là biểu hiện của bản lĩnh vững vàng mà còn là nét đặc trưng của thợ mỏ, được hun đúc qua thời gian, trải qua nhiều thế hệ kỷ luật và đồng tâm mới tạo lập được.
Khi đưa chúng tôi đến công trường, Giám đốc Trần Mạnh Cường giới thiệu cách đây 8 năm, sau khi khởi công mở cửa lò bằng 3 giếng đứng.
Trong đó giếng chính có chức năng vận tải than và đưa gió trời xuống lòng đất, đường kính D = 5m đến mức âm 345m, chiều dài giếng là 425m. Giếng phụ, có chức năng vận chuyển người, thiết bị, vật liệu, phế thải mỏ, đường kính D = 6,5m, chiều dài giếng là 395m.
Còn lại là giếng đứng thông gió, có chức năng hút gió thải và thoát hiểm khi có sự cố, với đường kính D = 5m, đến mức âm 300, chiều dài giếng là 355m.
Theo đó từ vị trí xuất phát độ cao 75m so với mực nước biển, những người thợ mỏ phải sử dụng chiếc thùng skip để đi xuống dưới mực nước biển 300m. Sau khoảng 3, 4 phút đồng hồ di chuyển vượt qua bóng tối, chúng tôi được đưa đến công trường rộng lớn tràn ngập ánh sáng đèn trong lòng đất.
Khác hẳn với không khí yên tĩnh trên mặt đất, trong hầm lò inh ỏi tiếng máy móc gầm rú vọng từ phía xa. Càng vào sâu, không khí càng ngột ngạt hơn, mồ hôi bắt đầu túa ra. Nhưng cũng từ đây, những vỉa than lấp lánh ánh sáng li ti bắt đầu xuất lộ.
Tiếp tục men theo bước chân của những người thợ mỏ, một bên là những máng cào than rì rì chạy. Từ xa đã thấy loang loáng ánh đèn mỏ và tiếng người, tiếng cuốc, nhộn nhịp và hối hả.
Trên đoạn hầm lò chừng vài chục mét, những người thợ tất bật, người cuốc than, người điều chỉnh giá đỡ. Có quãng, than đùn ra lấp chật lòng hầm, chúng tôi phải nhoài người trườn qua những đống than mới đi tiếp được. Dòng suối than lấp lánh từ trong lòng đất hun hút tuôn ra, mải miết chảy về phía đường lò chính…
Và những chiến sỹ trong lòng đất
Khi đi đến gương than cuối cùng, ở độ sâu hơn 300m, nơi không khí đã có phần ngột ngạt, một nhóm thợ 20 người đang vận hành máy khấu than. Tất cả ai nấy mặt mũi lấm lem bụi than, chỉ đến khi cười mới lộ ra 2 hàm răng màu trắng…
Chỉ tay về phía người thợ có dong dỏng cao, Chánh văn phòng Công ty CP Than Hà Lầm Phạm Quốc Hưng giới thiệu đó là anh Nguyễn Trọng Thái, người đã 23 năm làm việc dưới lòng đất. Và cũng là người giành nhiều giải thưởng, danh hiệu của Tổng Công ty Than và Khoáng sản Việt Nam.
Đáng chú ý, anh Thái cũng là một trong những người đầu tiên đặt dấu chân xuống độ sâu 300m dưới lòng đất tại giếng lò này. Dấu chân ấy đã được Tổng Công ty Than và Khoáng sản Việt Nam đúc đồng để trưng bày tại phòng truyền thống.
Quả thật trong quá trình tìm hiểu về Công ty CP Than Hà Lầm, với hơn 3 nghìn công nhân, mặc dù được phân công làm việc theo ca ở nhiều công trường khác nhau, thế nhưng khi nhắc đến thợ lò Nguyễn Trọng Thái thì không ai không biết đến.
Với vai trò là tổ trưởng tổ đào lò cùng hơn 20 năm kinh nghiệm, thợ lò Nguyễn Trọng Thái đã biết bao lần được ghi danh vào những kỷ lục của ngành Than.
Nguyễn Trọng Thái kể lại từ năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỏ Việt – Xô, anh từ quê hương Hải Dương ra Quảng Ninh, đến đầu quân cho Công ty CP Than Hà Lầm.
Chưa đầy 3 năm sau đó, Nguyễn Trọng Thái đã đoạt giải thưởng “thợ xuất sắc toàn ngành”. Theo đó Thái được đặc cách nâng lương và bổ nhiệm làm Tổ trưởng tổ đào lò của công trường kiến thiết cơ bản 1, có nhiệm vụ chuyên mở những đường lò cơ bản phục vụ các đơn vị khai thác than.
Từ đó cho đến nay, duy nhất công việc chỉ huy tổ thợ đào lò mang tên mình, tổ Nguyễn Trọng Thái luôn duy trì vị trí đứng đầu, không chỉ ở Công ty CP than Hà Lầm mà còn ở toàn ngành Than.
Tính bình quân, mỗi năm tổ của Nguyễn Trọng Thái đào được khoảng 3km đường lò, một thành tích rất cao trong ngành Than. Không chỉ vậy tổ thợ đào lò của Thái còn đạt nhiều danh hiệu như: năng suất cao nhất và ít sự cố nhất; liên tục 7 năm liền dẫn đầu về sản lượng đào lò…
Nghề khai thác mỏ không chỉ gian nan mà còn cực kỳ nguy hiểm. Thực tế thì hằng năm, hằng tháng vẫn có những vụ tai nạn liên quan đến hầm lò.
Cũng vì nguy hiểm nên ngay khi thành lập, mỗi đơn vị khai thác mỏ đã có đội cấp cứu mỏ, sau đó thì thành lập hẳn trung tâm cấp cứu mỏ. Công việc vất vả là thế, nguy hiểm là thế, nhưng với những người thợ lò luôn mang trong mình một ý chí kiên cường và một tâm hồn lạc quan để có thể bám trụ với nghề.
“Thợ mỏ mà không có lòng yêu nghề thì khó lòng bám trụ. Nhiều người học xong, xin đi làm nhưng chỉ được một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc vì nghề thợ mỏ không dành cho những người… yếu tim” – thợ lò Nguyễn Hữu Thành, Công ty CP Than Hà Lầm tâm sự.
Tuy nhiên cũng theo anh Trần Văn Thế, cán bộ Phòng An toàn lao động, thì với công việc có tính đặc thù như thợ lò thì không thể nói là phó mặc cho… số phận. Bởi lẽ nó khác biệt hoàn toàn so với trên mặt đất, làm việc bằng ánh sáng đèn lò.
Vì thế, dù sức khỏe tốt đến bao nhiêu, kỹ thuật giỏi đến đâu thì cũng phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật để đảm bảo an toàn, không sẽ xảy ra tai nạn lao động ngay.
Sau hơn 3 giờ chứng kiến sự vất vả của công nhân trong hầm lò, chúng tôi lại theo thùng skip ngược lên mặt đất. Theo chân cán bộ công đoàn Công ty CP Than Hà Lầm đi thăm một số công trình phúc lợi, từ nhà giao ca, khu tắm giặt, đến hội trường chỗ, sân bóng đá, công viên, mới cảm nhận được hết sự quan tâm, đầu tư về vật chất và tinh thần đối với người lao động.
Trước đây, thợ lò mỗi khi vào ca phải xếp hàng chờ đợi lấy trang thiết bị và bảo hộ lao động. Còn bây giờ hầu hết các đơn vị khai thác đều đã cải tạo lại dây chuyền cấp phát bảo hộ lao động.
Mỗi thợ lò có một tủ sắt, trong đó để những bộ quần áo, ủng được giặt sạch sẽ, cùng mũ bảo hộ, đèn pin. Cùng với đó, chế độ ăn uống đã cải thiện rất nhiều, người lao có thể thoải mái lựa chọn những món ăn mình yêu thích…
Vào nghề đã gần 5 năm, công nhân Trần Văn Thạo, quê ở Hải Dương cho biết trước đó đã từng làm rất nhiều công việc lao động chân tay, dù vất vả nhưng thu nhập của thợ lò rất tốt. Nhiều thợ lò đã có mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng, thậm chí có nơi còn cao hơn đến 300 triệu đồng.
Không chỉ trả lương cao, tất cả các công ty khai thác than đều tập trung rất nhiều vào việc chăm lo đời sống cho người lao động. Do đó Thạo cũng như nhiều công nhân trẻ khác xác định tư tưởng sẽ gắn bó lâu dài ở đây.
Công Huy (Theo CAND)