Ông Phạm Hoàng Thắng.
Ông gặt đập
Trả lời câu hỏi bí quyết nào làm nên hàng loạt các sáng chế như máy gieo hạt, phao quạt tôm, xe phun xịt dung dịch, máy gặt đập lúa… ông Nguyễn Hoàng Thắng chỉ cười: “Người ta làm cái họ nghĩ, còn tôi làm cái xã hội cần. Ý tưởng trong đầu dù có hay đến mấy mà xã hội không cần, nhận thấy không hữu ích, không thiết thực, không giúp gì được cho người lao động thì tôi không làm.
Ví dụ tôi nhìn thấy người nông dân mỗi khi gieo hạt bằng tay rất vất vả, lại không đều, tốn công chăm bón, lúa nhiều sâu bệnh… tôi liền nghĩ ra máy gieo hạt để khắc phục những điều đó. Làm ra sản phẩm để thay thế sức lao động của con người nên mỗi lần thử nghiệm máy, bà con đều ủng hộ nhiệt liệt. Đến nay đã 15 năm, nhưng chiếc máy gieo hạt vẫn được bà con sử dụng, đặt hàng”.
Không chỉ nổi tiếng với chiếc máy gặt đập lúa, ông Phạm Hoàng Thắng còn được mệnh danh là ông vua sáng chế với hàng loạt sản phẩm ra đời từ sự say mê nghiên cứu của ông. Sơ qua có thể kể đến là thiết bị gieo hạt, phao quạt tôm, xe phun xịt dung dịch…
Ông Thắng bảo, nếu lấy sáng chế để đặt tên cho tôi thì chẳng biết chọn sáng chế nào, bà con ở đây thân mật gọi là “ông gặt đập”. Để làm được chiếc máy này, ông phải đầu tư quãng 3 đến 5 tỷ đồng.
Giải thích về số tiền “khủng” này, ông bảo: “Tiền này do thế chấp nhà đất mà vay ngân hàng đấy, rồi lúc túng thiếu vay bạn vay bè, vay đủ nơi để làm ra bằng được chiếc máy hoàn thiện. Hú hồn là cuối cùng tôi đã thành công, không thì không biết lấy gì mà trả nợ”.
Nếu so với máy nhập ngoại, giá máy của ông Phạm Hoàng Thắng chỉ bằng 1/2, lượng hao hụt khoảng 240 kg lúa/ha (máy nhập ngoại khoảng 480 kg/ha).
Kể về chiếc máy gặt đập lúa, ông kể ông đăng ký sáng chế từ năm 2006, từ đó đến nay thì liên tục cải tiến và sản xuất phục vụ nhu cầu của bà con. Để làm ra chiếc máy này, không phải một hai năm mà là hàng chục năm mới thành công.
Lúc đầu chúng ông Thắng nghiên cứu chế tạo thử nghiệm loại máy gặt đập lúa nhỏ gọn, hàm cắt rộng 1m2, trọng lượng toàn bộ 800 đến 900 kg, năng suất từ 2 đến 3 ha/ngày, giá máy chỉ 60 đến 70 triệu (bằng 1/4 so với máy ngoại nhập có trên thị trường).
Ưu điểm của máy là gọn nhẹ, dễ di chuyển trên đồng ruộng sình lầy, cắt được lúa ngã đổ, ít bị hao hụt, giá thành rẻ. Mẫu máy cải tiến có bề rộng cắt 1,8m và 2m, máy này có trọng lượng 2.200 đến 2.300 kg, cho năng suất gấp đôi loại máy trước đó.
Nếu so với máy nhập ngoại, giá máy của ông Phạm Hoàng Thắng chỉ bằng 1/2, lượng hao hụt khoảng 240 kg lúa/ha (máy nhập ngoại khoảng 480 kg/ha). Các chi phí khác như dầu máy, công thợ sửa… đều thấp hơn máy nhập ngoại.
Người ngoài nhìn vào tưởng tôi làm dễ dàng lắm, nhưng không ai biết tôi phải đổ mồ hôi công sức thế nào mới khắc phục được những khó khăn.
Lấy sáng chế nuôi sáng chế
Chỉ làm cái xã hội cần, ấy thế nhưng cũng không ít lần “ông gặt đập” điêu đứng: “Người ngoài nhìn vào tưởng tôi làm dễ dàng lắm, nhưng không ai biết tôi phải đổ mồ hôi công sức thế nào mới khắc phục được những khó khăn. Sáng chế mà không ứng dụng được thì dù có hữu ích thế nào cũng xếp xó, phí công.
Có những lúc trong nhà chẳng có đồng nào vì tiền đã đầu tư vào máy hết rồi, nhưng tôi vẫn làm, vẫn đam mê. Để nuôi được máy móc, để có tiền mà tiếp tục nghiên cứu phải biết lấy sáng chế nuôi sáng chế.
Để “sống được” thì buộc phải làm đến tận cùng và làm thành công. Sáng chế này có thành công thì mới có tiền nuôi sáng chế sau, cứ thế, máy mày máy kia ra đời là bởi tôi xác định rõ như vậy”, ông Thắng chia sẻ.
“Tôi chẳng học qua trường lớp nào, cũng không học qua khóa kinh doanh thương mại hay chế tạo máy, cơ khí nào, làm được tất cả là do tự mày mò, tự học hỏi. Nhiều người bảo tôi là nhà sáng chế, tôi tự nhận mình là nhà sáng chế không chuyên.
Tôi khởi nghiệp sáng chế từ năm 2000, đến nay đã có một doanh nghiệp với quy mô nhỏ, vốn hoàn toàn từ tiền trong gia đình chứ không có sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành nào. “Tiếng lành đồn xa”, đến giờ thì tôi đã có các đơn đặt hàng từ Indonexia, Malaixia, Philippin, Campuchia, Ấn độ, Băng La Đét, thậm chí cả ở Châu Phi là Nigienia…”, ông Phạm Hoàng Thắng bộc bạch.
Đi đến tận cùng với người nông dân
Tự nhận mình là người “ít học”, bởi thế mà không tiếp cận được với các chính sách của Nhà nước: “Tôi làm thì được, chứ bảo viết đề án, trình bày thuyết trình về sản phẩm để nhận được sự hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước thì tôi chịu.
Mình có biết gì đâu mà nói với chứng minh, khẳng định. Nên nếu tôi được Nhà nước hỗ trợ thì có lẽ tôi sẽ xin hỗ trợ từ khâu lập dự áp đầu tư để các sáng chế sẽ thuyết phục được các quỹ đầu tư.
Mới đây tôi có được mời gặp mặt nói chuyện về Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia của Bộ KH&CN, tôi thấy rất phấn khởi, hy vọng là mình sẽ được nằm trong diện hỗ trợ của Quỹ để mở rộng quy mô sản xuất”, ông Thắng chia sẻ.
Tôi hỏi, ông có đề xuất chính sách khoa học nào để phục vụ tốt hơn cho công việc nghiên cứu, ông bảo: “Chính sách có, nhưng thực thi vẫn chưa tốt nên nhà khoa học còn khó, còn khổ. Muốn làm cái này cái kia, giấy tờ thủ tục xin không đơn giản, đó là rào cản lớn để những cá nhân tự mình làm khoa học phát triển sản phẩm.
Hy vọng tới đây, nhà nước sẽ hiện thực hóa các chính sách để những người đam mê khoa học, nghiên cứu như tôi có cơ hội phát triển, đóng góp sức mình vào sự phát triển của xã hội”.
Nếu được hỗ trợ vay vốn hoặc đất sản xuất, ông Thắng dự tính sẽ tiến hành thử nghiệm máy sấy lúa di động. Chiếc máy sấy lúa di động được ông ấp ủ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trong đầu, chứ chưa dám thực hiện.
Ông bảo ông đã đi cùng người nông dân từ khâu gieo sạ hạt giống, chăm bón, phun thuốc đến khâu gặt đập, chỉ còn khâu cuối cùng là bảo quản hạt lúa nữa. Ông thực sự muốn đi đến cuối cùng với người nông dân, bằng việc hiện thực hóa chiếc máy sấy lúa di động. Như thế là ông trọn vẹn ước mơ với người nông dân.
“Tôi được nhiều giải thưởng quá rồi. Giải nhất Hội thi Máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam – năm 2010 do Bộ NN&PTNT tổ chức. Giải nhất cuộc thi sáng chế của Sở KH&CN TP HCM, giải nhất Cuộc thi sáng chế năm 2013 do Bộ KH&CN, phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO, Tổng Cục Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc KIPO và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức. Chắc là đã lên đến đỉnh rồi, không biết đem sản phẩm đi thi gì nữa”, ông Phạm Hoàng Thắng.
Tô Hội