Vị trí các huyệt ở mặt.
Xoa bóp có tác dụng làm tăng cường khí huyết lưu thông, quá trình chuyển hóa da được cải thiện, tăng cường độ ẩm và tính trơn nhuận giúp da trở nên mịn màng, căng sáng hơn, giảm mệt mỏi giúp bạn thêm tươi trẻ, yêu đời.
Thông thường tiến hành xoa bóp mặt theo hướng vuông góc với các nếp nhăn trên mặt, tuy nhiên đối với các nếp nhăn ở góc mặt và ở miệng tiến hành xoa bóp theo vòng tròn.
Các bước tiến hành:
– Xoa bàn tay cho nóng rồi áp vào mắt (xoa tay áp mắt) 3 – 5 lần. Tác dụng: Làm mắt sáng, tỉnh ngủ.
– Hai tay di chuyển từ cằm lên hai bên má, khi đến mắt thì di chuyển sang hai bên, làm 5 lần. Day huyệt Thái dương (phía sau điểm giữa đoạn nối đuôi lông mày và đuôi mắt ước 1 tấc, nơi chỗ hõm sát cạnh ngoài mỏm ổ mắt xương gò má đè vào có cảm giác ê tức có khi thấy rõ mạch máu nổi lên) 1 phút.
– Dùng ngón tay trỏ và ngón giữa di chuyển quanh mắt từ bờ dưới mắt vòng lên cung lông mày, sau đó dùng đầu ngón tay giữa gõ huyệt trước khoé mắt và sau đuôi mắt rồi gõ huyệt giữa chân mày và giữa xương hốc mắt (ngay dưới con ngươi) mỗi nơi 10 lần. Day huyệt Toản trúc (chỗ lõm đầu trong chân mày, thẳng trên góc mắt trong) 0,5 – 1 phút.
– Dùng ngón cái và ngón trỏ véo lông mày hai bên 5 lần. Day huyệt Dương bạch (trước trán, trên đường thẳng qua chính giữa mắt và phía trên lông mày cách 1 thốn) và huyệt Ấn đường (nằm ở điểm giữa đường nối hai đầu lông mày) mỗi huyệt nửa phút.
– Đặt hai tay lên trán, di chuyển từ trung tâm ra hai bên rồi theo hướng ngược lại (động tác phân và hợp), làm 5 lần.
– Khum bàn tay lại úp vào trán, xoa toàn bộ trán, (xoa ngang trán) cho nóng ấm thì dừng lại.
– Hai tay đặt hai bên má, ngón trỏ và ngón nhẫn đặt ở góc miệng đồng thời di chuyển về phía trung tâm rồi di chuyển ra xa nhau, làm 5 lần. Day huyệt Địa thương (cách khóe miệng 0,4 thốn, hoặc trên đường ngang qua mép và rãnh mép mũi) và huyệt Giáp xa (cắn chặt răng lại, huyệt ở trước góc hàm và ở trên bờ dưới xương hàm dưới 1 khoát ngón tay) mỗi huyệt nửa phút.
– Dùng bàn tay xát qua xát lại bờ môi trên, bờ môi dưới và ụ cằm, sao cho vùng môi cằm ấm lên thì dừng lại. Day huyệt Thừa tương (ở đáy chỗ lõm, chính giữa và dưới môi dưới, trên đường bổ dọc giữa hàm dưới) nửa phút.
– Dùng lòng bàn tay xoa nhẹ nhàng lên hai gò má theo hình tròn, hướng sang hai bên. Day huyệt Quyền liêu (nằm ở bên cạnh gò má dưới xương gò má), huyệt giáp xa ở góc hàm.
– Xát dọc mũi (lên xuống). Chập ba ngón tay trỏ, giữa, ngón nhẫn vào nhau (ngón giữa để trên sống mũi). Miết từ đầu mũi dọc theo sống mũi lên trán, miết lên xuống nhiều lần cho nóng ấm thì dừng, sau đó bóp nhẹ hai cánh mũi. Day huyệt Nghinh hương (điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cách mũi và rãnh mũi – miệng) 1 phút.
– Để ngón tay trỏ và giữa vào trước và sau mang tai hình chữ V, chà xát lên xuống cho ấm.
– Vuốt cổ (ngửa cổ lên, mở rộng bàn tay): Dùng hai bàn tay đặt từ xương hàm vuốt xuôi xuống cổ (vùng huyệt Thiên đột) chỉ vuốt xuôi không vuốt ngược cho nóng ấm thì dừng.
– Xát gáy: Lấy bàn tay chà xát gáy mỗi bên 10 lần, hoặc cho đến khi thấy ấm nóng.
– Cào đầu (dùng 10 đầu ngón tay cào từ mí tóc trán ngược ra sau gáy 50 cái). Dùng 10 đầu ngón tay cào từ chân tóc lên đỉnh đầu. Cào từ đỉnh đầu dồn về sau gáy và hai đầu tai nhiều lần.
– Xoa nóng hai vành tai. Vuốt tai xuống, cho nóng ấm chừng 20 lần. Hai bàn tay úp vào tai xoa tròn quanh tai cho nóng ấm thì dừng. Dùng hai bàn tay áp vào hai tai các ngón tay đặt ra sau gáy rồi ép lòng bàn tay vào tai đồng thời dùng 10 đầu ngón tay gõ chẩm.
TS.BSCK II Dương Trọng Nghĩa
(theo SKĐS)