Xoa: Dùng lòng bàn tay xoa vùng bụng trên (vùng thượng vị), xoa theo chiều kim đồng hồ 3 – 5 phút, có thể bôi một chút dầu nóng cho dễ chịu.
Day: Dùng gốc bàn tay day nhẹ vùng đau. Day chậm sau khi day 3 – 4 phút sẽ chuyển sang động tác khác.
Ấn: Dùng 3 đầu ngón tay ấn vào vùng đau, ấn vừa phải, khi thấy tức thì dừng.
Bấm: Dùng ngón cái hoặc ngón chỏ bấm vào các huyệt sau đây.
– Huyệt cưu vĩ: Ngay dưới xương mỏ ác, thuộc mạch nhâm. Bấm từ nhẹ đến mạnh dần, bấm liên tục, tăng dần khi nào thấy tức vùng bấm là được, khoảng 2 phút.
– Huyệt thần khuyết (rốn): Dùng đầu ngón tay giữa bấm sâu vào rốn thấy dễ chịu, hơi tức.
– Huyệt trung quản: Ở giữa 2 huyệt cưu vĩ và thần khuyết thuộc mạch nhâm, dùng đầu ngón tay chỏ hay tay cái bấm vào huyệt. Mỗi huyệt bấm 1 – 2 phút. Sau đó người bệnh nằm sấp xoa bóp các huyệt sau lưng, lúc này cần sự hỗ trợ của người nhà, bệnh nhân thả lỏng người thở đều. Thầy thuốc đứng bên cạnh.
– Huyệt đại trường du: Huyệt ở ngang thắt lưng giữ L4 – L5 ngang sang 2 bên 1,5 thốn (khoảng 3cm). Thuộc đường kinh túc thái dương bàng quang. Thầy thuốc dùng 2 ngón tay cái bấm vào 2 huyệt. Sau đó day nhẹ nhàng.
– Huyệt tỳ du: Ở giữa D11 – D12 ngang sang 2 bên 1,5 thốn.
– Huyệt vị du: Ở giữa D12 – L1 ngang sang 2 bên 1,5 thốn. Kỹ thuật bấm và day như làm ở huyệt đại trường du.
Chế độ ăn uống: Cần ăn nóng ấm, không ăn thức ăn sống lạnh, không uống rượu, bia và các chất kích thích, chất chua cay. Nằm cao đầu để tránh dịch vị trào ngược dạ dày.
BS Kim Lan (nguyên cán bộ Bệnh viện Châm cứu T.Ư)