"Người dân không nên hoang mang, cần theo dõi sức khỏe, các triệu chứng nghi ngờ theo hướng dẫn của các bác sĩ. Khi phát hiện bất thường, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị. Hiện tại Việt Nam có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ điều trị căn bệnh này", ông Khuê nhấn mạnh.
Trước đó, BV Răng hàm mặt trung ương TP.HCM và BV Chợ Rẫy đã phối hợp thành lập hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân sau nhiễm COVID-19.
Hội đồng chuyên môn do PGS Lê Văn Sơn - nguyên trưởng bộ môn phẫu thuật hàm mặt, Viện đào tạo răng hàm mặt, Trường ĐH Y Hà Nội - làm chủ tịch, và 16 thành viên là các chuyên gia thuộc chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, nội nhiễm, huyết học, ngoại thần kinh và y tế công cộng của BV Răng hàm mặt trung ương TP.HCM và Hà Nội, BV Răng hàm mặt TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Hội đồng chuyên môn đã nghe các báo cáo về những bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt mà Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM tiếp nhận, nghiên cứu các tài liệu khoa học trong y văn thế giới liên quan đến bệnh lý trên, thảo luận để đưa ra các kết luận về nguyên nhân gây bệnh, các khuyến cáo về các dấu hiệu gợi ý chẩn đoán sớm và điều trị.
Đối với 13 trường hợp bệnh nhân đã được điều trị, bệnh viện tiếp tục cho theo dõi định kỳ, tiếp tục thu thập dữ kiện diễn tiến bệnh để bổ sung vào dữ liệu nghiên cứu và can thiệp sớm nếu cần.
Sau quá trình thảo luận, hội đồng chuyên môn nói trên đã đưa ra kết luận hoại tử xương sọ - mặt là một bệnh lý ít gặp, "không phải là bệnh lạ”. Thời gian vừa qua, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy có ghi nhận chùm ca bệnh hoại tử xương sọ - mặt (24 trường hợp) trên bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19. Các ca bệnh này liên quan đến thiểu dưỡng cục bộ của xương sọ - mặt và bội nhiễm với nhiều nguyên nhân khác nhau, cần được nghiên cứu thêm.